Theo ông Ngô Hồng Khanh, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo, một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới là phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân, đặc biệt là cải thiện thu nhập (tiêu chí số 10), đồng thời môi trường sống không ngừng được cải thiện, vấn nạn ô nhiễm môi trường phải được xử lý rốt ráo (tiêu chí số 17). Ông Khanh cũng thừa nhận, trong thực tế, để đạt được các tiêu chí trên cần có những giải pháp khả thi, tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với sự chung sức, chung lòng của các cấp, các ngành và nhân dân.
Tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc hội thảo, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Khoa phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng địa phương cần tập trung cho các giải pháp quan trọng: Nâng cao thu nhập cho các hộ dân nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, qua các mô hình “cánh đồng lớn” hoặc liên kết theo chuỗi giá trị; Cùng với phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao cần chú ý lồng ghép công tác bảo vệ môi trường thông qua mô hình VietGAP, GlobalGAP, canh tác cây trồng vật nuôi theo ngưỡng an toàn và bảo vệ sức khỏe cho con người cũng như môi sinh, môi trường. Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần nhấn mạnh: Đây cũng là con đường nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng cần hướng tới nhằm mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trước mắt cũng như lâu dài.
Về những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao thu nhập cho nông hộ, đi đôi với bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp các xã được công nhận đạt các tiêu chí số 10 và số 17, ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đề xuất Ban Chỉ đạo tỉnh cần thực hiện tốt các giải pháp cơ bản. Đó là: Giải pháp về giống, về xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, các giải pháp về chính sách và công tác quản lý…
Tiến sĩ Lê Quang Khôi, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các qui trình thâm canh tiên tiến được công nhận và đang áp dụng rộng rãi: Chương trình “3 giảm, 3 tăng”, IPM trên cây lúa, sản xuất theo hướng GAP (VietGAP, GlobalGAP) trên cây trồng, vật nuôi… Đặc biệt, khoa học và công nghệ được xác định là động lực trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thành công.
Ông Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đóng góp thêm về các giải pháp khả thi, quan trọng trong chế biến, tiêu thụ và hỗ trợ đầu ra cho một số nông sản chủ lực của tỉnh, đặc biệt là lúa gạo và trái cây nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, ông Tuấn đặc biệt lưu ý vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; áp dụng công nghệ sạch để chế biến, bảo quản nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác đủ mạnh, qui tụ được nông dân, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc sản xuất phải bảo vệ môi sinh, môi trường,…
Tiền Giang có 139 xã trong diện xây dựng xã nông thôn mới. Đến nay, đã ra mắt được 24 xã nông thôn mới và phấn đấu năm 2017 ra mắt thêm từ 10 đến 12 xã nông thôn mới. Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo, đến cuối năm 2016, Tiền Giang có 85 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, đạt 61,2% tổng số xã; 47 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường, chiếm 33,8% số xã.