Về kinh tế, trong quí I/2017 tăng trưởng GDP đạt 5,1%, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ năm 2015 và 2016 (6,12% và 5,48%). Tuy vậy, kinh tế cả nước vẫn tăng trưởng ổn định và có một số điểm sáng tích cực làm tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội trong các quý còn lại với khả năng đạt cao hơn. Cụ thể, mức tăng mạnh số doanh nghiệp đăng ký mới, bổ sung vốn và quay lại hoạt động; có 90% số doanh nghiệp trong tổng số hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký trong năm 2016 đến nay đã đi vào hoạt động; môi trường kinh doanh và cơ hội đầu tư, cũng như lòng tin thị trường đang được cải thiện tích cực. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.212,5 nghìn lượt người, tăng 29% so cùng kỳ năm trước. Mức tăng được ghi nhận ở tất cả các kênh và nguồn.
Dòng đầu tư FDI có nhiều khởi sắc (so với cùng kỳ) cả về vốn đăng ký mới, bổ sung và thực hiện. Tổng vốn đăng ký của các dự án FDI cấp mới, cấp bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần đạt 7.710,1 triệu USD, tăng 77,6%. FDI thực hiện ước đạt 3.620 triệu USD, tăng 3,4% so cùng kỳ năm 2016. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 74,7% FDI đăng ký cấp mới.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so quí I/2016. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 8,7 tỷ USD, tăng 4,1% so quí I/2016.
Cân đối ngân sách nhà nước được kiểm soát, thị trường tài chính khá ổn định. Công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Tổng kinh phí huy động từ ngân sách Trung ương, các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm 2017 là 3.775 tỷ đồng; có 9,4 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ / thẻ khám chữa bệnh miễn phí đã được phát tặng cho các đối tượng chính sách. Tình trạng thiếu đói trong nông dân giảm (cả nước có 76,3 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 26% so cùng kỳ). Các cấp, các ngành, địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 11,2 nghìn tấn lương thực và khoảng 1,1 tỷ đồng.
Về việc thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, theo báo cáo viên, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân nhằm bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.
Về phía người dân, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ mang lại nhiều lợi ích. Khi cần khám, chữa bệnh có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế. Các thông tin về sức khỏe người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phối hợp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị cao; giảm bớt chi phí của mỗi người dân cho việc khám và chữa bệnh.