Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, địa phương đổi mới công tác dạy nghề theo hướng tập trung đầu tư cho các nghề trọng điểm phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, phối hợp giữa đào tạo nghề với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất; định hướng nghề cho người lao động thông qua tuyển sinh, tư vấn nghề và việc làm… Qua đó, giúp người lao động thuận lợi trong học nghề và tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch tích cực trong cơ cấu lao động cũng như cơ cấu kinh tế địa phương giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020, Tiền Giang tập trung đào tạo nghề cho trên 70.000 lao động trong đó có 21.000 lao động ngành nghề trên lĩnh vực nông nghiệp, 49.000 lao động ngành nghề trên lĩnh vực phi nông nghiệp. Dự kiến, 80% lao động sau đào tạo sẽ tạo được công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Ngoài ra, tỉnh cũng có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho khoảng 6.500 lượt cán bộ, công chức xã nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chú ý dạy các nghề: kỹ thuật nuôi trồng sinh vật cảnh, thâm canh cây trồng vật nuôi theo hướng GAP, chăn nuôi an toàn sinh học theo qui mô trang trại,… Đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, tập trung đào tạo các nghề: cơ khí, điện dân dụng, may công nghiệp, sơ chế thủy hải sản, đóng đồ mộc, lái xe và tàu thuyền…
Nhằm đưa chủ trương đào tạo nghề, nâng chất lượng nguồn nhân lực vào đời sống, mang lại an sinh xã hội thiết thực cho cộng đồng, Tiền Giang một mặt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về học nghề, trang bị nghề mưu sinh trong đối tượng lao động, gắn kết các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, đẩy mạnh tư vấn nghề và dạy nghề, một mặt kiện toàn mạng lưới trường nghề và cơ sở dạy nghề, phấn đấu đạt mục tiêu theo nghị quyết và chương trình toàn khóa của Tỉnh ủy về dạy nghề, đào tạo nghề giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang khóa IX, trong giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 120.000 lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn khoảng 2,5%. Trong đó, có khoảng 90.000 lao động đươc đào tạo nghề gồm 24.000 lao động trên lĩnh vực nông nghiệp và 66.000 lao động trên lĩnh vực phi nông nghiệp. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề giai đoạn 2011 - 2015 đạt 70%. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Tiền Giang phấn đấu thông qua các giải pháp tích cực, trong đó coi trọng dạy nghề và tư vấn nghề gắn kết thị trường lao động nhằm tạo việc làm bình quân 20.000 lao động mỗi năm.