Ngày “Thầy thuốc Việt Nam” là dịp để mọi người tri ân sự hy sinh tận tụy của những Thầy thuốc, đã hết lòng cứu sống biết bao nhiêu sinh mạng con người, đồng thời cũng là dịp để các cán bộ y tế học tập và ôn lại những lời dạy của Bác, cùng nhau ôn lại truyền thống tốt đẹp của ngành, đánh giá những thành tựu cũng như những hạn chế, để qua đó ngành có cơ sở căn cứ xây dựng các kế hoạch cho tương lai.
Thực hiện lời dạy của Người, trong chiến tranh, đội ngũ cán bộ y tế Tiền Giang là những thầy thuốc mặc áo lính, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí cả hy sinh xương máu để tận tụy, hết mình phục vụ đồng chí, đồng đội, thương binh; họ đã viết nên những trang sử vàng chói lọi và tô điểm thêm cho truyền thống tốt đẹp của ngành Y tế, mà cháu con đời đời không thể nào quên được. Sau khi đất nước được giải phóng và thống nhất đến nay, hàng ngàn thầy thuốc tỉnh nhà đã, đang và sẽ tiếp tục ngày đêm phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy rằng, đâu đó vẫn còn có những than phiền về sự tắc trách thiếu trách nhiệm của một số thầy thuốc, hay một vài cơ sở y tế, về những tai biến chuyên môn không lường trước được; nhưng những điều này không thể phủ nhận những cống hiến đáng ghi nhận của đại đa số thầy thuốc, không thể làm phai mờ những thành tích đáng tự hào mà ngành y tế đã đạt được. Chúng ta đã khống chế và kiểm soát được các loại dịch bệnh, kể cả các loại dịch bệnh đáng sợ nhất thế giới như: thương hàn, dịch tả, dịch hạch, lao, sốt rét, ho gà, Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết Ebola, cúm A H5N1, cúm A H1N1, cúm A H7N9, cúm A H10N8,... Một số bệnh đã được loại trừ hoặc thanh toán như bệnh đậu mùa, uốn ván sơ sinh, bại liệt, phong… Công tác khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng thực hiện ở các tuyến. Một số thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, hoặc tình nguyện khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo… Hàng ngày, hàng giờ, các y, bác sĩ tiếp xúc với những cơ thể bệnh tật, với máu, mủ và với đủ thứ vi trùng, virus… Vậy mà, khi vào ca trực là các y, bác sĩ sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng, đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả… Vì sức khoẻ và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho con người.
Năm 2021, cùng với cả nước, Tiền Giang đã phải gồng mình đối phó với dịch COVID-19 đầy tang thương, chết chóc mà cả ngành Y tế tỉnh nhà phải nỗ lực để cùng với cả hệ thống chính trị để từng bước vượt qua. Đây là loại dịch bệnh chưa có tiền lệ với có tốc độ lây lan khủng khiếp và tỷ lệ tử vong rất cao, khiến cho cả thế giới đều lúng túng và phản ứng mỗi nước mỗi kiểu khác nhau; vừa phòng chống, vừa rút kinh nghiệm để xây dựng quan điểm chỉ đạo và biện pháp xử lý phù hợp.
Tại Tiền Giang, trước khi dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng, tỉnh đã tổ chức cách ly 17 đợt công dân nhập cảnh từ các quốc gia với hơn 3.000 người, chỉ có 11 ca dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không nặng, không có tử vong do nhiễm bệnh. Đến khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng (ngày 05/6/2021) ngành Y tế đã tham mưu để UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương cùng ngành Y tế đã kịp thời ứng phó và chủ động dập dịch. Tuy nhiên, do Tiền Giang rất gần Thành phố Hồ Chí Minh (tâm điểm đợt dịch lần thứ 4) nên tại thời điểm đó, khả năng kiểm soát dịch trong cộng đồng là rất khó khăn. Có những lúc cao điểm, khối lượng công việc rất lớn, tính chất lại khẩn trương, áp lực nặng nề nên cán bộ y tế phải làm việc hết sức vất vả, toàn ngành Y tế đã tập trung thực hiện hơn 100% sức lực có được (có đồng nghiệp còn nói rằng họ đã làm việc gấp 2-3 lần so với bình thường, tức 200-300% công suất thường ngày), không kể ngày đêm, trong hay ngoài giờ, ngày nghỉ, lễ… để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong điều kiện thiếu thốn nguồn lực (thiếu nhân lực chuyên môn cần thiết do số bệnh nhân tăng cao, vượt khả năng phục vụ hiện có của cán bộ y tế, do một số anh em nhiễm bệnh, đến mức phải cầu cứu Bộ Y tế phân công người hỗ trợ cho tỉnh; thiếu thiết bị y tế cần thiết như máy giúp thở, máy theo dõi liên tục, thiếu trang phục phòng hộ, phương tiện xét nghiệm, phương tiện vận chuyển… mà việc mua sắm vô cùng khó khăn vì thực hiện giãn cách, vì các tỉnh đều có nhu cầu đồng loạt gây khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng cao, mà có tiền cũng khó mà mua ngay được). Dù cho vô cùng vất vả, thậm chí một số ít cán bộ xin không thực hiện nhiệm vụ hoặc xin nghỉ việc, nhưng nhìn chung, hầu hết cán bộ y tế tỉnh nhà đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao (mà tưởng chừng như không thể nào thực hiện nỗi). Đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh xem như được kiểm soát nhưng khi nhớ lại giai đoạn cao điểm, mọi người vẫn còn cảm thấy áp lực khủng khiếp.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Tiểu đoàn Ấp Bắc.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có 772 người là cán bộ y, bác sĩ và người lao động bị nhiễm COVID-19 (F0) khi làm nhiệm vụ, chưa tính những người tiếp xúc gần (F1) bị ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc (số liệu đến ngày 12/02/2022).
Trong giai đoạn hiện nay, phương thức điều trị chuyển sang điều trị tại cộng đồng (tại nhà, tại cơ sở điều trị tuyến xã…) giúp cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng không phải nhập viện điều trị, giúp người bệnh được thoải mái hơn, đồng thời làm giảm áp lực cho các y bác sĩ tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng lại làm tăng thêm áp lực cho nhân viên y tế tuyến xã. Nhân viên y tế tuyến xã hiện nay rất thiếu mà phải làm rất nhiều việc đồng thời như vừa theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà (có lúc cao điểm, với 6-8 người mỗi trạm y tế mà phải chăm sóc hàng trăm F0 tại nhà), vừa thực hiện tiêm chủng vaccine thần tốc phòng COVID-19, vừa tiếp tục truy vết, vừa thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu và vừa phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên (quản lý các chương trình mục tiêu y tế, phòng chống các loại dịch bệnh bệnh khác, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho bệnh nhân thông thường khác…). Vì vậy, cán bộ y tế các cấp vẫn phải tiếp tục phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giai đoạn hiện nay với việc vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên khác.
Khi phòng, chống dịch, cả hệ thống chính trị đều tham gia và đều có đóng góp nhất định vào thành quả chung của cả tỉnh; tuy nhiên, mỗi ngành, mỗi cấp sẽ có vị trí, vai trò khác nhau. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành Y tế là lực lượng nòng cốt và là chủ lực trong sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân nói chung và trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh nói riêng. Vì vậy, khi Tiền Giang trở thành vùng xanh, Nhân dân tỉnh nhà có cuộc sống bình thường mới như hiện nay, thì đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành Y tế có vai trò hết sức quan trọng, không thể nào thiếu được và cũng không có lực lượng nào có thể thay thế được. Chúng ta ý thức được điều này, nên đã phấn đấu cống hiến hết sức mình trong các giai đoạn của dịch bệnh, nhất là giai đoạn cao điểm. Đây vừa là trách nhiệm của những cán bộ y tế cũng là niềm vinh dự và tự hào khi đã có những đóng góp mang tính quyết định vào một trận chiến đấu vô cùng gian nan, vất vả để đến hôm nay xem như chúng ta đã có được một cuộc sống bình thường mới. Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo ngành Y tế tỉnh, chúng tôi xin được cám ơn tất cả các ngành, các cấp đã sát cánh cùng chúng tôi trong các hoạt động phòng chống dịch, và nhất là các cán bộ y tế, các đồng nghiệp của chúng tôi, đã không ngại gian khổ (thậm chí có thể hy sinh vì nhiễm bệnh), đã phấn đấu hơn 100% sức lực có được để đóng góp xứng đáng vào cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 này. Chúc cho mọi người, cho các đồng nghiệp của tôi có được cuộc sống an lành, vui vẻ, hạnh phúc, thịnh vượng trong thời gian tiếp theo, đồng thời tiếp tục có những đóng góp xứng đáng tiếp theo trong nghề nghiệp cao quý của mình để làm món quà thiết thực, hết sức ý nghĩa nhằm chào mừng kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay (27/2/1955 - 27/2/2022).