Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng viên, cán bộ nêu gương thật xứng đáng

Thứ năm - 04/07/2024 03:42
Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chăng để mỗi đảng viên, cán bộ học, thực hành làm gương và nêu gương một cách xứng đáng và đầy danh dự, với tư cách là đảng viên, cán bộ của Đảng lãnh đạo, cầm quyền, trước Nhân dân và toàn xã hội?
Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng viên, cán bộ nêu gương thật xứng đáng.
Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng viên, cán bộ nêu gương thật xứng đáng.
Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chăng để mỗi đảng viên, cán bộ học, thực hành làm gương và nêu gương một cách xứng đáng và đầy danh dự, với tư cách là đảng viên, cán bộ của Đảng lãnh đạo, cầm quyền, trước Nhân dân và toàn xã hội? Và, phải chăng, đến lượt mình, để chúng ta tiếp tục noi gương Nhân dân lao động một cách tự nguyện và đầy vinh dự, với tư cách Đảng ta là “đứa con nòi” rất mực trung thành, hiếu đễ với Nhân dân, mà mỗi đảng viên là một thành viên?

Và, cũng phải chăng, đó chính là noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thành tâm và hiệu quả nhất, thật sự xứng đáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, một Đảng cầm quyền, thấm đẫm đạo lý cao cả và tính nhân văn thiêng liêng?

Và, càng phải chăng, làm gương hay nêu gương và noi gương là một trong những phương diện quan trọng, để Đảngkhông chỉ tiếp tục đổi mới không ngừng phương thức cầm quyền của mình,mà còn thiết thực xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức, phương diện thứ tư mà Đại hội XII của Đảng quyết sách, thật sự xứng đáng vừa là đạo đức, văn minh, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, ngang tầm trọng trách cầm quyền lịch sử mà dân tộc và Nhân dân giao phó?

Tất cả vì lẽ giản dị, “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Người trong nhiều tư cách: một Con Người, một lãnh tụ, một chiến sĩ đấu tranh vì sự giải phóng và tiến bộ của dân tộc và loài người, trước sau vẹn toàn thực sự là một tấm gương vĩ đại.

Nhưng, trước hết và trên hết ở Người, là trọn vẹn một cuộc đời nghiêm cách và chân thành thực hành nêu gương và noi gương.

Và, Đảng Cộng sản Việt nam, do Người sáng lập và đào luyện, cũng như thế! Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên, cán bộ.

Thành tâm noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong 13 năm qua, Đảng ta ra ba chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7-11-2006, của Bộ Chính trị khóa X, về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị khóa XI, về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đó chính là yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ thành tâm noi gương Người, để Đảng ta thật sự làm Người lãnh đạo đồng thời làm Người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, để ngày càng xứng đáng là “đứa con nòi” dẫn dắt Dân tộc!

 Và, đến lượt mình, noi gương Người trong làm gương và nêu gương, với tất cả những tư cách ấy, Đảng ta học Người và yêu cầu từng đảng viên, cán bộ về làm gương và nêu gương. Ngày 07-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Quy định số 101-QÐ/TW Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, với 7 nội dung nêu gương. Bốn năm sau đó, ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa XII ra Quy định số 55-QĐ/TW Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Và mới đây, ngày 25-10-2018, ở tầm vóc cao nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Quy định số 08-QĐi/TW,Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”.

Đảng và mỗi đảng viên của Đảng thành tâm noi gương Người!

Và, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở đây, chính là để Đảng làm gương và nêu gương ngày một xứng đáng hơn trước Nhân dân và toàn xã hội!

Nhớ ngày 05-01-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”. Hiếm thấy một đảng cộng sản và công nhân nào trên thế giới “xuất thân” và mang tư cách “con nòi” của “giai cấp lao động” như Đảng ta! Nhưng, ở đây, điều mà ít ai dụng tâm tới điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói tới, rằng là “con nòi” thì Đảng có noi gương “giai cấp lao động” không hay Đảng chỉ là một tổ chức, như Người cảnh báo, để ai đó chui vào “thăng quan phát tài”, làm những “ông tướng bà tướng”, “lên mặt quan cách mạng”, thậm chí còn làm những “ông vua con”, coi kinh quần chúng”?

Như thế, phải chăng Đảng có cần noi gương Nhân dân không?

Không thể không! Không đứa “con nòi” nào mà không noi gương cha mẹ, khởi thủy không lấy nơi “xuất thân” của mình mà soi cả! Đó là sự linh thiêng của đạo lý Việt Nam! Đảng ta như thế, “là đạo đức, là văn minh”!

Khi nói về dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích ngắn gọn, súc tích là Dân làm chủ và Dân là chủ. Trong nước dân chủ, thì địa vị cao nhất là Dân, Dân là quý nhất, lực lượng Nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài Dân. Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe Dân, gặp Dân, hiểu Dân, hỏi Dân, học Dân, và làm cho Dân. Do đó, nếu “không học hỏi Dân thì không lãnh đạo được Dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”.  “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng”. Vì lẽ, “Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với Dân; Dân sẽ có ý kiến hay”. Vì vậy, Người căn dặn: “Đối với Dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”.

Trái thế, là không noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Có lẽ không ít cán bộ, đảng viên chưa xứng làm gương, nêu gương, thì trước hết phải chăng, cần học lấy điều tối thiểu này: Thành tín noi gương Nhân dân mới có thể nêu gương sáng và toàn vẹn được. Xa rời Nhân dân, sẽ giống như thân Ăng-tê khi bị kẻ thù nhấc bổng khỏi nền Đất Mẹ, nhất định sẽ mất hết sức mạnh và uy tín!

Rõ ràng, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là noi gương Nhân dân! Đó là con đường ngắn nhất nhưng cầu thị nhất để tự mình làm gương và nêu cao hành động nêu gương!

Và, đối với đảng viên, cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nghĩa là đảng viên, cán bộ, rộng hơn là toàn Đảng phải nêu gương! Người nào muốn trở thành người lãnh đạo, người đó phải là một tấm gương và phải biết nêu gương. Đó cũng là một trong những cách lãnh đạo tốt nhất của Đảng. Đó cũng là một trong những nhân tố làm nên đạo đức, văn minh của Đảng. Nói như cổ nhân: Muốn ướp mặn được người khác thì tự mình phải trở thành muối!

Hơn ai hết và hơn hết bao giờ, thực tiễn đang đòi hỏi rất cao các đảng viên, cán bộ, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải đi tiên phong, thật sự xứng đáng trước toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề này. Đó là cơ hội, đồng thời cũng chính là thách thức đối với mỗi người trước toàn Đảng và trước toàn thể Nhân dân.

Có thể nói gọn lại, mỗi đảng viên, cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải nêu gương tối thiểu ở bốn mối quan hệ: Đối với mình, đối với người, đối với việc và đối với tổ chức.

Đối với mình, là đảng viên, lại là người lãnh đạo, “muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước...Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”; tự mình phải là “Nhân, Trí, Dũng, Liêm”, “Cần, kiệm, liêm, chính”. Rằng, ngọc không bán rao! Rằng, liêm sỉ là thượng tôn! Rằng, danh dự là tối thượng!

Ðối với người, phải thành tín, khiêm nhường, khoan dung, độ lượng và lễ phép. Nói như cổ nhân, dòng sông sâu thường lặng sóng, bông lúa mẩy hạt thường cúi đầu. Rằng, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Rằng, ta yêu kính Nhân dân thì Nhân dân kính yêu ta.

Đối với việc, phải tiên phong đảm trách, phải hành động làm đầu, lấy trách nhiệm làm căn bản, nghĩa là phải luôn giữ vững nguyên tắc: “Dĩ công vi thượng”, phải: “Chí công vô tư”, phải có cái gan dám hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, Nhân dân và của Đảng, chứ không phải ngược lại.
Đối với tổ chức, hơn ai hết, phải tuyệt đối trung thành, phải dũng cảm và tuân thủ, phải ngay thẳng và trong sạch. Nói gọn lại, như cổ nhân: Vị quốc vong thân, Chính khí hạo nhiên thiên địa trường tồn!

Mỗi đảng viên, cán bộ, dù ở cấp nào, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải tự mình xứng đáng làm gương để nêu và noi gương tốt hơn, hãy lấy gương Người và các Quy định của Đảng về nêu gương để thành tâm tự soi, tận sửa mình.

Và, nghiêm khắc soi mình và thành tâm sửa mình trong mắt Nhân dân! Được thế, thì mọi thứ tốt đẹp, đối với mỗi người, dù không cầu tất cũng tự đến. Trái thế, tất thoái bộ, tất tự đào thải mình, trước hết về đạo lý trong Đảng và trước mắt Nhân dân. Và, nếu thất bại về pháp lý thì có thể sửa chữa được, nhưng thất bại về đạo lý, sẽ không còn chốn để nương thân.

Nêu gương và noi gương như thế, để mỗi đảng viên, cán bộ xứng đáng với sự tin cậy và gửi gắm của Người. Đến lượt mình, qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên tự khẳng định uy tín và danh dự của mình trong mắt Nhân dân.

Và, rộng hơn, đối với toàn Đảng, chính là chính là một thước đo quan trọng của đạo đức hành động vì Nhân dân, một nhân tố căn bản làm nên sức mạnh và uy tín của công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công việc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng vậy.
Một lần nữa, xin khắc sâu lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Nguồn: baocaovien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm159
  • Hôm nay34,271
  • Tháng hiện tại866,664
  • Tổng lượt truy cập34,452,309
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây