Gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã đạt thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đã củng cố và nâng vị thế của dân tộc lên tầm cao mới, tạo cơ sở cho việc đặt ra mục tiêu chiến lược mới: đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít hạn chế, thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước, với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Không phải ngẫu nhiên mà trong ba kỳ Đại hội gần đây, Ban Chấp hành Trung ương đều có nghị quyết hoặc kết luận về công tác xây dựng Đảng. Điều đó cho thấy sự nhận thức sâu sắc của Đảng về vai trò, tính cấp thiết của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Trong đó, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức được đặt ra là nhiệm vụ riêng, với những nội dung cụ thể để nâng cao ý thức tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên.
Trong bối cảnh mới của đất nước phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế với sự xâm nhập, giao thoa của nhiều luồng văn hóa và trong điều kiện phát triển của công nghệ, vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt, đặt ra yêu cầu mới. Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo hệ thống chính trị, toàn thể Nhân dân vừa bảo đảm lợi ích cốt lõi của quốc gia, vừa phải ổn định tình hình an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền; gìn giữ bồi đắp giá trị văn hóa dân tộc... Điều đó cũng là để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, để Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh, là hiện thân cao quý của lương tri và phẩm giá của con người và dân tộc Việt Nam để nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế. Đó là những trọng trách của mỗi cán bộ, đảng viên, mà muốn hoàn thành nhiệm vụ đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có đức, có trí, có tầm, có bản lĩnh.
Trên nền tảng giá trị to lớn và tấm gương đạo đức vĩ đại Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay cần quan tâm thực hiện những nội dung cơ bản sau:
- Thứ nhất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kỷ luật của Đảng và thực thi pháp luật của Nhà nước.
- Thứ hai, các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi một cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về sự cần thiết của việc rèn luyện, bồi đắp, nâng cao đạo đức cách mạng theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị hay thực hiện nhiệm vụ công tác nào cũng nêu cao tinh thần chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái trong bản thân mình và trong nội bộ Đảng.
- Thứ tư, một vấn đề quan trọng hiện nay là, trên nền tảng giá trị đã có để xây dựng những nội dung mới về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với điều kiện mới của tình hình trong nước và thế giới.
- Thứ năm, phát huy vai trò của Nhân dân trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh đó, cần nâng cao dân trí, bồi dưỡng văn hóa chính trị, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; khuyến khích Nhân dân giám sát công việc của các cơ quan nhà nước. Với cán bộ đảng viên, tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, mà phải thật thà tự phê bình và thành khẩn tiếp thu ý kiến trước Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “xây đi đôi với chống”, xây dựng, bồi đắp giá trị tốt đẹp là liều thuốc hiệu quả nhất để chống lại sự cũ kỹ, xấu xa, suy thoái. Các tầng lớp nhân dân đánh giá về Đảng trước hết thông qua hành động, tấm gương của mỗi đảng viên cụ thể. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng CNXH hiện nay, việc tiếp tục rèn luyện, củng cố, nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Đảng, của chế độ cũng như hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.