Sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945

Thứ ba - 10/09/2024 03:15
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa[2]. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.
- Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc.

Có thể nói Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Và việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một cống hiến về nguyên lý lý luận của Người vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.

- Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, những quyền đó bị tước bỏ và chà đạp. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp.

Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản, Nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi thực dân, phong kiến và đế quốc, giành lại độc lập, tự do và quyền con người. Như vậy, nhân quyền ở Việt Nam không phải là giá trị do ai ban phát mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của Nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh đó đã làm cho “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[3].

Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[4].

Với hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục gói gọn trong hơn 1.000 chữ, Tuyên ngôn Độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngày 2/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc ta, ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày Hà Nội trở thành Thủ đô của cả nước; một ngày có “ý nghĩa cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị, tinh thần của dân tộc”[5]
   

- Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc và sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đặc biệt, những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập là những giá trị bất hủ. Từ đó đến nay, Nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và luật. Với những thành tựu về việc bảo đảm quyền con người[6], Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc[7].

Kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” luôn rọi sáng mọi trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi vùng, miền của Tổ quốc và định cư ở nước ngoài. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của toàn dân tộc, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong những năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn ở mức cao. Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với quy mô GDP đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD (năm 2023). Kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với toàn bộ 35 quốc gia châu Mỹ và 192 quốc gia trên thế giới[8], quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với trên 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN…

79 năm đã trôi qua, Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

[1] Trích Bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Đại tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[2] Nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[3] Trích Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011sđd, tập 4, tr. 1,2,3.

[4] Trích Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011sđd, tập 4, tr. 1,2,3.

[5] Trích Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, trang 29.

[6] Cả trên lĩnh vực đối nội và đối ngoại.

[7] Nhiệm kỳ 2014 - 2016 và nhiệm kỳ 2023 - 2025.

[8] Bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc.
 

BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập214
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm202
  • Hôm nay128,889
  • Tháng hiện tại2,360,220
  • Tổng lượt truy cập46,174,925
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây