Căn cứ Hưng Thạnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Chủ nhật - 14/04/2013 22:35
Để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới, đầu năm 1960, Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chuyển một phần cơ quan từ căn cứ Long Hưng (huyện Châu Thành) phía Nam lộ 4 đến căn cứ Hưng Thạnh (huyện Châu Thành nay thuộc huyện Tân Phước) ở phía Bắc lộ 4.

Đây là địa bàn có vị trí quan trọng về mặt quân sự và chính trị. Căn cứ Hưng Thạnh dựa vào rừng tràm vùng Đồng Tháp Mười mênh mông, địa hình sình lầy, rừng cây rậm rạp vô cùng hiểm trở, làm cho địch khó phát hiện và tấn công ta.

Đối với ta, đây lại là địa bàn thuận lợi trong quá trình liên lạc, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu. Nằm về phía Bắc lộ 4, là cửa ngõ đi vào căn cứ cách mạng Đồng Tháp Mười, nơi tiếp giáp các khu căn cứ và các vùng cơ sở cách mạng từ các hướng trong tỉnh. Mặt khác, nơi đây nằm trong lòng cách mạng của nhân dân vùng ven Đồng Tháp Mười, được sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân các xã xung quanh như: Tân Hòa Tây, Phú Mỹ, Tân Hòa Thành và Mỹ Phước.

Chính vì những điều kiện thuận lợi đó, cơ quan Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban An ninh tỉnh và các tổ chức cách mạng đứng chân hoạt động, chỉ đạo đấu tranh giành nhiều thắng lợi trong thời gian từ năm 1961 đến năm 1964.

TỪ THẾ BỊ ĐỘNG…

Tháng 7-1961, Sư đoàn 7 bộ binh, sư đoàn bộ binh thiện chiến và tin cẩn của Ngô Đình Diệm được điều từ giới tuyến quân sự ở vĩ tuyến 17 về khu chiến thuật Tiền Giang. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 đóng tại thị xã Mỹ Tho và thường xuyên bố trí từ 1 đến 2 trung đoàn bộ binh càn quét, đánh phá khắp các địa bàn trong tỉnh.

Lúc này chúng điều chỉnh tổ chức hành chính và quân sự như đổi tên quận Châu Thành thành quận Long Định, lập thêm quận Giáo Đức, đổi tên quận Cái Bè thành Sùng Hiếu, Cai Lậy thành Khiêm Ích. Như vậy, Tiểu khu quân sự Định Tường của địch bao gồm 8 chi khu quân sự bố trí ở 8 quận.

Ngoài ra, chúng ráo riết đôn quân, bắt lính, bổ sung kiện toàn các tiểu đoàn bảo an, xây dựng ở mỗi quận 1 đại đội bảo an và 1 trung đội biệt kích, cảnh sát dã chiến; ra sức ép thanh niên vào các tổ chức “Thanh niên chiến đấu” và dân vệ.

Tiến hành quân sự hóa bộ máy chính quyền, đưa các tên ác ôn về làm tỉnh trưởng, quận trưởng, cảnh sát, tề xã. Đây là những hoạt động nhằm dọn đường cho chương trình bình định, gom dân, lập ấp chiến lược tại tỉnh Mỹ Tho với mục đích tách nhân dân ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng mà mục tiêu chính là tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta đang đóng tại căn cứ Hưng Thạnh.

Trong thời kỳ Mỹ - ngụy thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” 1961 – 1965, Hưng Thạnh là căn cứ kháng chiến của quân và dân tỉnh Mỹ Tho, đây là nơi ra đời của nhiều đơn vị lực lượng vũ trang như Tiểu đoàn 261 - Khu 8, Tiểu đoàn 514; đồng thời là nơi Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức nhiều cuộc hội nghị quan trọng đề ra chủ trương, đường lối và đối sách để lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta đứng lên đập tan nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc của Mỹ - Ngụy...

Đặc biệt là vào tháng 6 -1961, tại căn cứ Hưng Thạnh Ban an ninh tỉnh Mỹ Tho được thành lập do đồng chí Lê Thành Hiệp (Bảy Hiệp) Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách; đồng chí Lê Văn Tấn (Nguyễn Đức) giữ chức vụ Phó ban với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ căn cứ, hành lang chiến lược, chống do thám, gián điệp, chống âm mưu càn quét, dồn dân lập ấp chiến lược và bình định của  Mỹ - ngụy.

Từ giữa năm 1961, chúng tiến hành chương trình thành lập các ấp chiến lược, chủ trương gom dân ở những vùng đã nổi dậy vào ấp chiến lược để tách dân ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng. Tăng cường xây dựng quân địa phương: bảo an, dân vệ, lực lượng thanh niên chiến đấu; tăng chủ lực lên một phần tư; tăng lực lượng yểm trợ Mỹ lên gấp năm lần; đưa vào những vũ khí, phương tiện mới như trực thăng chở quân, trực thăng chiến đấu, xe thiết giáp, súng trường tự động, chất hóa học khai quang...

Đồng thời sử dụng những chiến thuật mới dựa trên hỏa lực mạnh và sức cơ động nhanh để bất ngờ đánh chụp, tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo và lực lượng vũ trang cách mạng. Tăng cường lực lượng và phương tiện vũ khí, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tin tưởng chúng có thể áp đảo được thế và lực của cách mạng, nhất là đối với các đơn vị vũ trang cách mạng còn non trẻ, vốn được trang bị bằng những vũ khí cũ kỹ, lạc hậu, quen với những chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu từ thời chống Pháp.

Ở Mỹ Tho, địch ráo riết việc triển khai chiến lược chiến tranh đặc biệt. Chúng điều chỉnh tổ chức hành chính và quân sự, mục đích cắt nhỏ chiến trường, tăng cường chỉ huy, tăng cường lực lượng đánh phá bình định. Đến tháng 10-1961, ấp chiến lược thí điểm của địch được xây dựng xong tại xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành.

Năm 1962, chúng tiến hành xây dựng các ấp chiến lược thuộc hệ Cổ Chi, huyện Châu Thành rồi lan ra các xã ven thị xã, thị trấn, các trục giao thông. Chúng tăng cường bắt lính, tuyển mộ những tên lưu manh và sử dụng bọn đầu hàng phản bội làm nòng cốt. Cố vấn, Mỹ được bố trí đến chi khu quân sự và đi theo các cuộc hành quân; đồng thời địch sử dụng sư đoàn bộ binh 7, bảo an liên tiếp mở các cuộc hành quân từ một, hai đại đội đến một, hai tiểu đoàn trong khu vực vài ba xã, khủng bố, gom, khoanh dân vào ấp chiến lược.

Trong vùng giải phóng, chúng tổ chức đánh biệt kích, luồn sâu, đốt phá, giết chóc tàn bạo, đi đôi với chiến tranh tâm lý kêu gọi đầu hàng, đầu thú, uy hiếp tinh thần kháng chiến của cán bộ và nhân dân.

Ngày 5-5-1962, địch bổ sung thêm xe thiết giáp M.113 cho sư đoàn bộ binh 7. Từ tháng 7-1962, chúng liên tục hành quân có trực thăng và xe thiết giáp đánh vào những vùng căn cứ, gây cho ta nhiều tổn thất: trực thăng và M.113 đánh vào Quân y và Công trường tỉnh, đốt phá, hủy hoại nhiều phương tiện. Hai chục tân binh của tỉnh trên đường đi bổ sung cho bộ đội Miền, trú lại đây hy sinh.

Trận chúng đánh vào trạm giao liên ở Quơn Long, 37 cán bộ tập kết trở về hy sinh. Sư đoàn bộ binh 7 đánh trúng trường huấn luyện tân binh của tỉnh ở Tân Hòa Đông, gây cho ta tổn thất 150 tân binh. Nghiêm trọng hơn hết là trong trận chúng đánh vào căn cứ của tỉnh ở Hưng Thạnh ngày 2-9-1962, làm 52 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 514 và cán bộ Tỉnh ủy hy sinh, trong số hy sinh có một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trước diễn biến căng thẳng, từ bốn giờ sáng, mọi người, kể cả bộ đội tỉnh, huyện, du kích, cơ quan đều phải nổi lửa nấu cơm, ăn uống, quấn vội tư trang thành gói nhỏ để đi tránh địch. Bộ đội chạm súng với chúng, rút đi dưới hỏa lực ác liệt của trực thăng và khi dừng quân chưa kịp làm công sự thì chúng đã đổ xuống trước mặt. Thế chiến trường của ta ở Mỹ Tho từ tháng 8 đến tháng 12-1962 rơi vào bị động. Địch đẩy mạnh việc lập ấp chiến lược, xây dựng nối liền nhau thành tuyến, chia cắt ta theo các trục giao thông quan trọng.

…CHUYỂN SANG THẾ CHỦ ĐỘNG

Ngày 7-9-1962, tại căn cứ Hưng Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam; đồng chí Lê Việt Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy Khu Trung Nam bộ họp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho rút kinh nghiệm trận địch đánh vào căn cứ Tỉnh ủy ngày 2-9-1962, bàn chuyên đề chống càn và phá ấp chiến lược.

Nhiều vấn đề được giải quyết rốt ráo trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Các đồng chí nhận định địch đã chuyển thủ đoạn đánh phá: Chúng tập trung lực lượng, phương tiện kỹ thuật đi càn quét hỗ trợ lập ấp chiến lược, nhưng ta lại chưa có chủ ý nghiên cứu để phá thủ đoạn này của chúng. Trái lại, còn có hiện tượng muốn cho bộ đội tránh né khi thấy có dấu hiệu địch sử dụng các phương tiện mới để hạn chế thiệt hại.

Rõ ràng, đã đến lúc ta phải làm chuyển biến tư tưởng trong chỉ đạo và tư tưởng bộ đội, phải mạnh dạn đương đầu với địch, phải chủ động “đánh càn” chớ không “né càn”. Bộ đội tỉnh phải thọc sâu phối hợp với bộ đội địa phương huyện, du kích “đứng lại” đánh địch hỗ trợ nhân dân phá ấp chiến lược và phá các cuộc càn quét của địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận.

Phải nâng khả năng bộ đội tỉnh đánh diệt từng cánh quân địch đi càn và đi phản kích, giải tỏa. Có đánh được địch đi càn, đi giải tỏa thì mới phá được dứt điểm ấp chiến lược và quần chúng tại chỗ mới dám nổi dậy.

Trong quá trình hoạt động tại căn cứ Hưng Thạnh, một mặt Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho đã chỉ đạo tổ chức thành công nhiều cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban An ninh tỉnh; đồng thời chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh ban hành.

Mặt khác, trong công tác chỉ đạo chiến đấu, cơ quan Tỉnh ủy đã từng bước chuyển hướng phong trào đấu tranh trong tỉnh phát triển đi lên từ giải phóng từng vùng, chiến thắng từng cụm cứ điểm của địch, tiến lên giải phóng toàn vùng. Đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ngụy ở tỉnh Mỹ Tho, tại căn cứ Hưng Thạnh ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nhất là ở hệ Cổ Chi, góp phần làm chuyển biến cục diện chiến trường trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho.

Ngoài ra, tại khu căn cứ Hưng Thạnh, Đảng bộ tỉnh huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, vận động được quần chúng, thực hiện tốt các nội dung cốt lõi của Đảng “lấy dân làm gốc”. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân trong vùng căn cứ Đồng Tháp Mười đã tham gia tích cực trong mọi hoạt động phòng, chống quân thù. Đặc biệt, nhân dân xã Hưng Thạnh có nhiều đóng góp to lớn cả về nhân lực cũng như vật lực để phục vụ cho cách mạng, phục vụ kháng chiến.

Cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang, dân quân du kích xã đã trực tiếp tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực của Mỹ - ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Đưa đón và bảo vệ hàng trăm lượt cán bộ cấp trên đi - về an toàn; tiếp nhận và nuôi dưỡng nhiều đơn vị chủ lực của tỉnh, quân khu trong thời gian đóng quân tại căn cứ Hưng Thạnh.

Tham gia đóng góp hàng trăm ngàn ngày công, dân công hỏa tuyến, chuyên chở gạo, đạn dược, vót chông và bố phòng hàng trăm hố chông, chế tạo ra các loại vũ khí để đánh địch, đóng góp cho cách mạng mỗi năm hàng trăm giạ lúa và nhiều thực phẩm khác…

Như vậy, trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến gặp nhiều khó khăn, gian khổ, Tỉnh ủy Mỹ Tho đã sáng suốt lựa chọn một vị trí đứng chân thuận lợi để hoạt động và thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến.

Địa thế đó đã đảm bảo hội tụ được các yếu tố “địa lợi và nhân hòa”, vững chắc trong việc bố phòng, thuận lợi trong công tác chỉ đạo tiến công, phát triển chiến tranh nhân dân, là yếu tố mang tính sống còn cho Đảng bộ và nhân dân tại thời điểm bấy giờ, trở thành một trong những khu căn cứ có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở tỉnh Mỹ Tho.

“Khu căn cứ Hưng Thạnh” tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang sẽ trở thành Di tích lịch sử cách mạng, mang giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, quân sự sâu sắc.

Tài liệu tham khảo:
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang tập II (1954-1975). NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2010.
2. Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Thành, tập II (1954-1975), năm 2010.
3. Tỉnh ủy – UBND tỉnh Tiền Giang: Địa chí Tiền Giang, tập I, năm 2005.
4. Kỷ yếu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang (1930-2010).
5. Tham luận của Công an tỉnh Tiền Giang: Âm mưu, thủ đoạn của Mỹ - ngụy trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đối với vùng căn cứ Hưng Thạnh (1961-1965).
6. Tham luận của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang: Đánh địch càn quét bảo vệ căn cứ cách mạng ở  Mỹ Tho trong kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1962 đến năm 1964).

TS. Lê Văn Tý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập299
  • Máy chủ tìm kiếm74
  • Khách viếng thăm225
  • Hôm nay37,739
  • Tháng hiện tại795,154
  • Tổng lượt truy cập39,164,530
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây