Thấm nhuần chỉ huấn của Người về công tác tuyên truyền

Thứ sáu - 17/08/2012 06:05
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dành nhiều công sức, trí tuệ và sự quan tâm đến công tác tuyên truyền cách mạng. Người xem đó là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng.
Ảnh: laodong.com.vn
Ảnh: laodong.com.vn

Tuyên truyền là một bộ phận của công tác tư tưởng, có vị trí hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của tuyên truyền: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”.

Người nói: “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”.

Do mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhất là tính chính xác và sức lay động lan tỏa đối với dân chúng, Bác yêu cầu cán bộ tuyên truyền “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”.

Về đối tượng tuyên truyền: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết người tuyên truyền phải nắm vững đối tượng được tuyên truyền. Nếu “Người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”.

Người cũng lưu ý rằng: “Dân chúng không nhất luận như nhau. Trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu”. Đối với mỗi tầng lớp đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp. Vì đối tượng này hiểu được thì các đối tượng khác cũng nắm bắt dễ dàng.

Về công tác chuẩn bị nội dung tuyên truyền: Người tuyên truyền phải chuẩn bị nội dung tuyên truyền thật chu đáo. Bởi theo Người, làm được như vậy sẽ tránh được lối nói ba hoa, rỗng tuếch, cẩu thả, lặp lại, nhàm chán.

Người từng cảnh báo: “Trước khi nói không sắp sửa kỹ càng, lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói, hoặc lắp đi lắp lại những cái mình đã nói rồi. Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn, nói nữa thì chán tai”.

Người căn dặn: “Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo hoặc thảo một bài diễn văn nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài viết của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những chữ thừa, vô ích bỏ đi. Rửa mặt phải kỳ sát ba lần mới sạch. Viết văn diễn thuyết cũng phải như vậy”.

Để nội dung bài nói, bài viết có chất lượng, Bác yêu cầu người tuyên truyền phải chịu khó “nghe”, “thấy”, “xem” và “ghi chép”. Khi chuẩn bị nội dung phải suy nghĩ cho chín, sắp đặt cho cẩn thận và nên nhờ chính những người thuộc đối tượng được tuyên truyền xem, cho ý kiến.

Người yêu cầu cụ thể: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Phải luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu. Phải tự hỏi: Nói cho ai nghe, viết cho ai xem. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ chớ nói, chớ viết. Trước khi nói phải sắp đặt cho cẩn thận, phải suy nghĩ cho chín chắn. Sau khi viết rồi phải xem đi xem lại ba bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng phải xem đi xem lại chín mười lần”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành tư tưởng phải thông, phải thật thông. Phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”; “Phải đánh thông tư tưởng, động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân. Mọi người quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được”.

Mỗi lần về thăm các nhà máy, công trường, hợp tác xã, Bác Hồ luôn nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên, nhân viên: “Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng”.

Trên cơ sở quy luật của công tác tư tưởng, Người đã trù liệu hệ quả khi đảng viên chưa thông suốt tư tưởng sẽ dẫn tới những biến dạng khôn lường: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”.

Vì vậy, Người mong muốn làm sao tư tưởng tiên tiến, tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải trở thành chủ đạo, trường tồn cùng với Đảng, với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người khẳng định: “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt. Phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng, tư tưởng cá nhân hoàn toàn thất bại”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm công tác tuyên truyền phải có cách tuyên truyền phù hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, cách nói, cách viết phải ngắn gọn. Bởi lẽ “người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu”, cho nên “viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy”. Tuy vậy, “ngắn gọn nhưng không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu có đuôi” và “không nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt”.

Phù hợp với đối tượng là phải gắn liền với những đối tượng cụ thể. Tuyên truyền cho đồng bào miền núi phải khác với đồng bào miền xuôi; tuyên truyền cho đồng bào các tôn giáo phải khác với đồng bào không theo tôn giáo. Với các đối tượng phải tìm cho ra các đặc thù.

Ví dụ, với đồng bào miền núi thì phải nói ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Nội dung tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực: “Một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì? Làm như thế nào?” và “không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực và tiêu cực, không đâu vào đâu cả”. Đồng thời phải nắm, phải thu phục cho được các già làng, trưởng bản. Nếu đạt kết quả thì tiếng nói của người tuyên truyền có sức nặng hơn, việc tuyên truyền vận động sẽ có kết quả hơn.

Xuất phát từ quan điểm “Dân là gốc của tuyên truyền”, Người cho rằng, cách tuyên truyền phù hợp và có hiệu quả nhất với dân chính là cách tuyên truyền của chính nhân dân. Bằng cách đó, dân dễ hiểu, dễ nhớ nên sẽ tin và sẽ làm theo.

Người từng cho rằng: “Cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất đơn giản. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi nói, khi viết khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn nâng cao hiệu quả tuyên truyền thì người tuyên truyền phải là người hiểu biết rộng, đặc biệt là nhận thức sâu việc mình tuyên truyền. Không những có đủ kiến thức lý luận mà phải có vốn sống phong phú; không những giỏi về nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải có trình độ văn hóa cao.

Người tuyên truyền giỏi phải là người biết tổ chức quần chúng, thức tỉnh và tập hợp quần chúng; đồng thời, người tuyên truyền phải có vốn sống về thơ ca, nhạc họa thì tác dụng và hiệu quả tuyên truyền sẽ là rất lớn.

Bác đã đi xa, song tư tưởng của Bác về công tác tư tưởng, về cán bộ làm công tác tuyên truyền vẫn là hành trang, phương pháp luận quý báu để Đảng ta, đội ngũ làm công tác tuyên truyền vững tin hơn, trí tuệ sắc sảo hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị một cách xuất sắc.

HOÀNG ANH

Nguồn tin: Ấp Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập318
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm305
  • Hôm nay95,137
  • Tháng hiện tại1,951,717
  • Tổng lượt truy cập40,321,093
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây