Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt Nam

Thứ ba - 14/05/2013 23:18

Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Bác Hồ. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh - một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Trong Điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam năm 1969 có đoạn viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2013), chúng ta ôn lại những công lao vĩ đại mà chính Người đã cống hiến và làm rạng rỡ dân tộc, non sông đất nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước. Mảnh đất Kim Liên cũng đã thấm máu anh hùng của bao liệt sĩ chống Pháp như Vương Thúc Mậu, Nguyễn Sinh Quyến,… cả chị và anh của Nguyễn Tất Thành cũng đều tham gia hoạt động yêu nước, chống Pháp, bị bắt giam và lưu đày hàng chục năm. Sống trong hoàn cảnh mất nước, đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân. Ngay từ lúc tuổi niên thiếu, Người đã sớm hình thành ý chí đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Với tình cảm yêu nước thương dân vô hạn, năm 1911, Người đã rời cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) sang Pháp và các nước phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc.

Từ năm 1912 đến năm 1917, Nguyễn Tất Thành đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hòa mình với nhân dân lao động, Người thông cảm sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Người sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Người đã hoạt động tích cực nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc giành tự do, độc lập.

Cuối năm 1917, Người từ nước Anh trở lại nước Pháp tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Năm 1919, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Véc-xây (Vesailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, Người khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới là con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tháng 4-1922, hội ra báo “Người cùng khổ” (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Nhiều bài báo của Người đã được đưa vào tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, xuất bản năm 1925. Đây là một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô và dự nhiều cuộc họp Quốc tế quan trọng như Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ nhất và được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân; dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V; Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên lần thứ IV và Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Người kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc là Ủy viên thường trực Bộ phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) chọn một số thanh niên Việt Nam yêu nước đang sống ở Quảng Châu, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ Việt Nam sau đó đưa về nước hoạt động. Các bài giảng của Người được tập hợp in thành cuốn sách “Đường Kách mệnh” năm 1927. Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Liên Xô và một số nước châu Âu. Năm 1929, những tổ chức cộng sản đầu tiên ra đời ở Việt Nam. Mùa xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long gần Hương Cảng, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông. Đây là một thời kỳ sóng gió trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Mùa xuân năm 1933, Người được trả tự do. Từ năm 1934 đến 1938, Người nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Matxcơva. Kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt Nam, Người tiếp tục theo dõi chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Tháng 10-1938, Người rời Liên Xô về Trung Quốc bắt liên lạc với tổ chức Đảng chuẩn bị về nước.

Ngày 28-1-1941, Người về Tổ quốc. Tháng 5-1941, Người triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Tháng 8-1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam, thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian 13 tháng bị tù, Người đã viết tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) với 133 bài thơ chữ Hán. Tháng 9-1943, Người được trả tự do. Tháng 9-1944, Người trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12-1944, Người chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chiến tranh Thế giới thứ II bước vào giai đoạn cuối với những thắng lợi của Liên Xô và các nước đồng minh. Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây, theo đề nghị của Người, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân đã họp quyết định tổng khởi nghĩa. Đại hội quốc dân đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tháng 8-1945, Người lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng mới thành lập đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng. Đất nước bị các thế lực đế quốc, phản động bao vây và chống phá quyết liệt, chính quyền cách mạng chưa được nước nào trên thế giới công nhận, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tỉnh táo và sáng suốt đề ra những chủ trương và giải pháp đúng đắn giữ vững được chính quyền, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhưng với âm mưu của thực dân và đế quốc “chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”, chúng không cho dân tộc ta sống tự do và độc lập. Nhưng với tinh thần thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đứng lên chống xâm lược.

Năm 1954, với thắng lợi vang dội trên chiến trường Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, rút hết quân Pháp về nước. Nhưng đế quốc Mỹ không để cho Việt Nam thống nhất, chúng từng bước đưa quân đội vào miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa kêu gọi cả nước đứng lên chống Mỹ xâm lược với khẩu hiệu “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Trước khi về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bản Di chúc lịch sử. Trong Di chúc, Người căn dặn phải “đánh cho Mỹ cút, nguỵ nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 4 năm 1975 với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ dựng lên ở miền Nam hoàn toàn sụp đổ. Thắng lợi đó đã kết thúc vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta gần một trăm năm. Đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Với tấm lòng yêu nước, thương dân vô hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy trong đó ánh sáng cứu nước, cứu dân. Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, vạch ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh là người làm rạng rõ non sông, đất nước Việt Nam.

Nguyễn Văn Hải - Trường Chính Trị Tiền Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập489
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm453
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,165,424
  • Tổng lượt truy cập34,751,069
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây