Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” , Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang (BTVTU) đã triển khai công tác chuẩn bị, cũng như việc quán triệt thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, chặt chẽ. Cụ thể, qua công tác tổ chức lấy ý kiến kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân ủy viên BTVTU cho thấy, báo cáo kiển điểm, tự phê bình và phê bình tập thể được thực hiện nghiêm túc, nêu đúng nội dung từng phần của Nghị quyết Trung ương 4; tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, công tác tổ chức cán bộ; cơ chế quản lý; những tồn tại của địa phương. Phân tích rõ những mặt tích cực, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm và phương pháp khắc phục. Theo đó, các bản tự kiểm điểm của cá nhân ủy viên BTVTU được chuẩn bị chu đáo, đúng trọng tâm, đều tập trung đi sâu phân tích những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm; nêu được nguyên nhân, biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Các đồng chí ủy viên BTVTU đóng góp ý kiến sôi nổi, thẳng thắn, chân tình, không né tránh những khuyết điểm thuộc trách nhiệm của từng đồng chí trong BTVTU; không khí kiểm điểm dân chủ, các ý kiến đóng góp có trách nhiệm, mang tính xây dựng cao.
Đối với công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân cấp huyện, cơ sở đều tập trung vào lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, công tác tổ chức - cán bộ; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, quy chế làm ciệc, nguyên tắc tập trung dân chủ; phân tích rõ những mặt tích cực, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Không khí kiểm điểm dân chủ với ý thức trách nhiệm, xây dựng đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm về nguyên tắc tập trung dân chủ; công tác tổ chức - cán bộ; trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, điều hành; phong cách lề lối làm việc của tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Với quyết tâm chính trị cao, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các ngành, các cấp ở địa phương đã tích cực thực hiện và hoàn tất việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình từ BTVTU đến đảng viên; trong đó có 72/72 tổ chức gồm BTV cấp ủy huyện (tương đương), Ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan tỉnh, 819/819 đảng bộ cơ sở (đạt 100%) theo kế hoạch), còn lại 1.496 đảng viên (chiếm 4,1%) không kiểm điểm do miễn công tác, miễn sinh hoạt, bệnh nặng, mới kết nạp…
Trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị trong việc quán triệt, thực hiện công tác kiểm điểm, phê bình và tự phê bình đối với tập thể, cá nhân các cấp ủy, đơn vị… đã đạt được những kết quả bước đầu đáng trân trọng sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đó là kết quả bước đầu đã đánh giá đúng thực trạng ba vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm của tập thể, cá nhân từng cấp, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, có tác dụng cảnh báo, thức tỉnh, răn đe, góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nhiều đơn vị qua kiểm điểm đã đề ra các giải pháp, những việc cần làm ngay và quyết tâm khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm. Những bài học, kinh nghiệm được rút ra trong việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình đối với việc khắc phục những hạn chế và tiếp tục lãnh đạo, điều hành có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về kế hoạch đầu tư phát triển ba vùng kinh tế Tiền Giang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và xây dựng cơ bản giai đoạn 2013-2015; hội nghị thảo luận và có kết luận về kế hoạch này với 8 dự án trọng điểm của tỉnh và 5 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trung ương trên địa bàn. Song song đó, BTVTU cũng đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác cán bộ; qua đó ban hành quy chế thu hút các bộ lãnh đạo, quản lý; hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết 42, ngày 30-11-2008 và Kết luận số 24, ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị (khóa IX); kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2012-2015…
Riêng đối với vấn đề được dư luận quan tâm nhất, đó là vấn đề tồn đọng các dự án gây bức xúc đã được BTVTU qun tâm giải quyết. BTVTU thành lập Ban chỉ đạo, phân công các ủy viên BTV trực tiếp theo dõi từng dự án cụ thể để đôn đốc, chỉ đạo giải quyết theo kế hoạch đã đề ra. Đến nay, về cơ bản đã giải quyết xong những vấn đề tồn tại ở KCN Tân Hương, Trung tâm thương mại trái cây quốc gia Hòa Khánh, KCN Vinashin (hiện là KCN Dầu khí). Đối với các dự án còn lại như: KCN Long Giang, tỉnh tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ bao gồm cả hai phương án thu hồi và không thu hồi 134 ha, trong đó, phân tích cả thuận lợi, khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là những khó khăn khó tháo gỡ nếu tiếp tục phương án thu hồi 134 ha. Đối với dự án Nhà máy nước (Công ty Cổ phần BOO nước Đồng Tâm), hiện đã tiếp nhận nước theo giá nhà nước quy định với khối lượng 25 ngàn m3/ngày đêm. Tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan trung ương về kết luận của Thanh tra Chính phủ; đàm phán phương án chuyển nhượng cổ phần và nghiên cứu xây dựng tuyến ống cấp 2. Tiếp tục kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án cũng như kiểm tra tình hình sử dụng đất Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.
Với những kết quả đạt được từ bước đi, cách làm cầu thị, dân chủ của các cấp ủy, chính quyền trong thời gian qua là cơ sở, nền tảng để Tiền Giang tiếp tục giải quyết tốt những vấn đề còn tồn đọng, làm điểm tựa vững chắc trong việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nhanh và bền vững.