Tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh sẽ phòng được lây truyền từ mẹ sang con từ 80 - 95%. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả. Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) của Việt Nam đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine viêm gan B từ năm 1997, đến năm 2003 được bao phủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc và từ năm 2006 áp dụng lịch tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ.
Để thực hiện được mục tiêu kiểm soát bệnh viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh theo quy định tại Thông tư 26/2011/TT-BYT ngày 24-6-2011 của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc, Bộ Y tế hướng dẫn các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện Trung ương, bệnh viện đa khoa có khoa sản, bệnh viện chuyên khoa sản, nhà hộ sinh, phòng khám đa khoa có khoa sản (gọi là các cơ sở y tế có phòng sinh) và trạm y tế triển khai tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh.
Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính xuống dưới 2% ở trẻ 5 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho khu vực tây Thái Bình Dương, các quốc gia cần đạt 2 mục tiêu sau: Một là, tỷ lệ trẻ sơ sinh được liêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh đạt từ 65% trở lên. Hai là, duy trì tỷ lệ từ 90% trở lên trẻ dưới 1 tuổi được tiêm 3 mũi vaccine viêm gan B.
Quyết định đã hướng dẫn cụ thể 10 nội dung thực hiện như sau:
1. Đối tượng: Trẻ sơ sinh có các dấu hiệu sinh tồn bình thường như ổn định nhịp thở, môi hồng, bú tốt.
2. Thời gian tiêm: Tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh.
3. Vaccine: Sử dụng vaccine viêm gan B đơn giá đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành.
4. Đường, tiêm: Tiêm bắp, vị trí 1/3 giữa, mặt ngoài đùi.
5. Liều tiêm: 1 mũi 0,5ml (10mcg).
6. Bảo quản vaccine: Vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ từ +2°C đến + 8°C trong tủ lạnh riêng hoặc phích vaccine. Không được làm đông băng vaccine.
7. Cơ sở vật chất, nhân lực:
Bố trí phòng tiêm hoặc bàn tiêm vaccine riêng. Nơi tiêm chủng bảo đảm đủ ấm cho trẻ, có dán áp phích “Quy định về tiêm chủng” và “Quy trình tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh” theo quy định của Bộ Y tế. Có nơi khám phân loại cho trẻ, tư vấn cho các bà mẹ hoặc người nhà của trẻ.
Có đủ dụng cụ tiêm chủng, hộp an toàn, hộp thuốc chống sốc, phác đồ chống sốc tại nơi tiêm.
Phân công cụ thể cán bộ phụ trách việc tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Tối thiểu có 2 cán bộ y tế đã được tập huấn về tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm chủng để có thể luân phiên thực hiện tiêm chủng vaccine cho trẻ sơ sinh.
8. Bảo đảm an toàn tiêm chủng: Thực hiện việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe, chỉ định, tiêm và theo dõi sau tiêm; hướng dẫn người nhà của trẻ theo dõi phản ứng sau tiêm theo quy định tại Quyết định 23/2008/QĐ-BYT ngày 7-7-2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị.
9. Quản lý số liệu:
Ghi ngày tiêm VGBSS vào phiếu tiêm chủng của trẻ. Hướng dẫn bà mẹ số phiếu tiêm chủng và đưa con đi tiêm chủng lần sau tại các trạm y tế xã (phường, thị trấn) theo lịch tiêm chủng.
Ghi chép, tổng hợp, quản lý số liệu tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh tại cơ sở.
10. Chi bồi dưỡng mũi tiêm theo chế độ tài chính hiện hành.
Quyết định cũng đã quy định nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị triển khai thực hiện, kể cả các cơ sở y tế có phòng sinh và các trạm y tế.
Nguồn tin: Ấp Bắc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn