I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
- Thông qua Hội thi, từng bước nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý và giảng viên trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình giáo dục lý luận chính trị.
- Cổ vũ, động viên cán bộ, giảng viên, kể cả giảng viên kiêm chức của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trên phạm vi cả nước, tạo phong trào thi đua mới, đưa hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ngày càng đi vào nền nếp.
- Thông qua Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi, giúp cấp ủy các cấp nhận thức đầy đủ hơn về công tác giáo dục lý luận chính trị, về vị trí, vai trò của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, tạo điều kiện cho Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
- Tạo điều kiện để các giảng viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong giảng dạy; tìm ra phương pháp giảng dạy tiên tiến, các sáng kiến cải tiến, kinh nghiệm làm đồ dùng dạy học để phổ biến, nhân rộng; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy.
- Góp phần đánh giá thực chất đội ngũ giảng viên, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giảng viên.
2. Yêu cầu
- Hội thi phải bảo đảm tính khách quan, trung thực, công bằng, có tác dụng giáo dục, động viên, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đơn vị.
- Hội thi phải thực sự là ngày hội, đánh giá đúng tài năng sư phạm và sự hiểu biết của giảng viên về chuyên môn, nghiệp vụ.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC HỘI THI VÀ ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
1. Về nội dung
Bài giảng dùng để giảng viên lựa chọn để thi là các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị thực hiện ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện do Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành, tuy nhiên, tập trung vào các chương trình sau:
- Chương trình học tập lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng.
- Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới.
- Chương trình bồi dưỡng công tác đảng cho Bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở.
- Các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Chương trình Sơ cấp lý luận chính trị.
Mỗi thí sinh lựa chọn một bài trong các chương trình nói trên để dự thi.
2. Về hình thức
a. Các phần thi
Trong Hội thi thí sinh phải tham dự 03 phần:
- Soạn giáo án thuyết trình:
Giáo án cần viết ngắn gọn, rõ ràng (không quá 30 trang đánh máy khổ A4), đóng thành quyển và gửi về trước cho Hội đồng thi từ 01 đến 02 tuần (tùy theo điều kiện cụ thể của từng tỉnh, thành phố, đơn vị).
- Phần thuyết trình:
Thí sinh lựa chọn một hoặc nhiều phần trong chương trình đã đăng ký dự thi để trình bày trong 25 phút.
- Trả lời câu hỏi:
Trả lời câu hỏi do thành viên Hội đồng Giám khảo đặt cho người thi. Nội dung các câu hỏi liên quan trực tiếp tới bài giảng. Thí sinh trả lời mỗi câu hỏi không quá 05 phút.
b. Kết quả thi
Kết quả thi được tính theo thang điểm 10, trong đó:
- Điểm đề cương hệ số 2.
- Điểm thuyết trình hệ số 3.
- Điểm trả lời câu hỏi, ứng xử hệ số 1.
Kết quả chung là trung bình cộng của 03 loại điểm nêu trên (tổng số điểm chia 6).
3. Phương thức tổ chức và đối tượng dự thi
Hội thi được tổ chức theo 03 cấp:
a. Hội thi cấp tỉnh, thành và tương đương: Mỗi Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và tương đương cử 03 giảng viên dự thi. Tuyển chọn 03 giảng viên xuất sắc dự thi khu vực. Mỗi đảng bộ khối cơ quan Trung ương cử 02 đến 03 giảng viên dự thi.
b. Hội thi khu vực: được tổ chức sau Hội thi cấp tỉnh và tương đương. Tuyển chọn từ 05 đến 06 giảng viên xuất sắc được giải nhất, nhì, ba dự Hội thi chung khảo toàn quốc.
- Khu vực I: Gồm các tỉnh, thành phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra).
- Khu II: Gồm các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Ninh Thuận).
- Khu vực III: Gồm các tỉnh, thành phố phía Nam.
- Khối các cơ quan Trung ương: Tổ chức theo các đảng bộ khối trực thuộc Trung ương.
c. Hội thi chung khảo toàn quốc: Được tổ chức sau Hội thi khu vực. Tuyển chọn từ 05 đến 06 giảng viên xuất sắc được giải nhất, nhì, ba từ các khu vực.
III. THỜI GIAN VÀ KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI THI
1. Thời gian
- Hội thi cấp tỉnh, thành phố và tương đương kết thúc chậm nhất vào tháng 5 năm 2014.
- Hội thi khu vực được tổ chức từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2014.
- Hội thi chung khảo toàn quốc được tổ chức vào dịp 20/11/2014.
2. Kế hoạch
Mỗi Hội thi đều phải thành lập Ban Tổ chức Hội thi, Hội đồng giám khảo và Tổ Thư ký.
a. Ban Tổ chức Hội thi
- Ban Tổ chức Hội thi cấp tỉnh, thành phố và các đảng bộ khối trực thuộc Trung ương do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh, thành phố làm Trưởng Ban. Thành viên Ban Tổ chức gồm: Lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị tỉnh, thành phố.
- Ban Tổ chức Hội thi khu vực và Hội thi chung khảo do 01 đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng Ban.
b. Hội đồng Giám khảo
- Hội đồng Giám khảo Hội thi cấp tỉnh từ 5 – 7 người, gồm lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy, lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh, thành phố và các đồng chí cán bộ của Ban Tuyên giáo tỉnh, giảng viên Trường Chính trị tỉnh...
- Hội đồng Giám khảo Hội thi cấp khu vực và toàn quốc từ 7 đến 10 người, gồm lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương và một số cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương.
c. Tổ Thư ký
Căn cứ vào mục đích, yêu cầu tổ chức Hội thi, Tổ Thư ký do Ban Tổ chức Hội thi chọn và chỉ định.
d. Các vấn đề khác
Các văn bản quy chế về tổ chức thi, câu trả lời ứng xử và đáp án, thang bảng điểm, cách thức chấm điểm... được công bố công khai và thông báo cho mọi người tham dự Hội thi biết để đảm bảo công bằng, dân chủ trong các Hội thi.
Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy và các đảng bộ khối trực thuộc Trung ương và Ban Tổ chức hội thi ở cấp tỉnh và khu vực gửi danh sách giảng viên đạt giải và thí sinh dự thi ở Hội thi cấp trên (Họ và tên, năm sinh, nam/nữ, dân tộc, trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, thời gian làm giảng viên, đơn vị, kết quả xếp loại thi...)
Danh sách giảng viên dự thi cấp khu vực gửi về Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Số 2B – Hoàng Văn Thụ - Ba Đình – Hà Nội.
IV. KINH PHÍ VÀ KHEN THƯỞNG
- Tại Hội thi cấp tỉnh, thành phố và tương đương, Ban Tuyên giáo căn cứ vào tình hình của địa phương, đơn vị, căn cứ vào số lượng thí sinh dự thi, nội dung chương trình, thời gian tiến hành, dự trù kinh phí Hội thi để cấp ủy duyệt.
- Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương lập dự toán kinh phí trong dự toán ngân sách năm 2014 cho Hội thi các khu vực và Hội thi Chung khảo toàn quốc.
- Để có thêm nguồn kính phí làm phần thưởng và tặng phẩm cho các giảng viên đoạt giải, các ban tuyên giáo có thể vận động các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế, văn hóa, sản xuất kinh doanh dùng nguồn kính phí cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để hỗ trọ cho Hội thi.
- Giảng viên xuất sắc tại các hội thi đều được tặng bằng khen và phần thưởng trị giá bằng tiền theo các mức sau:
+ Hội thi cấp tỉnh, thành phố và tương đương: Mức khen thưởng do cấp tỉnh, thành phố quyết định. Có thể áp dụng mức sau: 01 giải Nhất: 3.000.000đ; 02 giải Nhì mỗi giải 2.000.000đ; 03 giải Ba, mỗi giải: 1.000.000đ và một số giải khuyết khích.
+ Hội thi khu vực: 01 giải Nhất: 5.000.000đ; 02 giải Nhì mỗi giải 3.000.000đ; 03 giải Ba, mỗi giải: 2.000.000đ và 04 giải khuyết khích, mỗi giải 1.000.000đ.
+ Hội thi Chung khảo toàn quốc: 01 giải Nhất: 7.000.000đ; 02 giải Nhì mỗi giải 5.000.000đ; 03 giải Ba, mỗi giải: 3.000.000đ và 04 giải khuyết khích, mỗi giải 2.000.000đ.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy và tương đương căn cứ vào Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, báo cáo với cấp ủy và cụ thể hóa Hướng dẫn tổ chức Hội thi, thực hiện thống nhất theo đúng mục đích, yêu cầu, nội dung và kế hoạch về thời gian tổ chức Hội thi, nghiên cứu kỹ thể lệ, quy chế thi, tổ chức chấm thí điểm, rút kinh nghiệm sau mỗi bài thi, giờ thi…. để tránh được những khuyết điểm, sai sót.
- Việc tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cần tổ chức chu đáo, huy động cán bộ học viên và những người quan tâm đến dự Hội thi.
- Sau khi tổ chức xong Hội thi, Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy và tương đương kịp thời làm báo cáo kết quả gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương qua Vụ Lý luận chính trị.
- Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, nếu có vướng mắc đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy và tương đương báo cáo về Ban Tuyên giáo Trung ương cùng phối hợp giải quyết.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn