Anh Phúc hiện đang là Phó Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, anh cho biết: Mình gốc “nông dân rặt”, gia đình chuyên nghề trồng hoa bán Tết. Cha mình đã làm nghề trồng hoa từ hơn 40 năm trước, bà con họ hàng trong nhà mình là những người trồng hoa lâu năm ở làng hoa Mỹ Tho.
Anh Dương Trọng Phúc |
Từ nhỏ mình đã phụ gia đình chăm sóc hoa kiểng. Năm 14-15 tuổi, mình đã ra chợ hoa xuân Mỹ Tho đứng bán hoa kiểng suốt những ngày giáp Tết. Mấy năm nay, mặc dù không còn trực tiếp bán hoa Tết nữa nhiều bạn bè vẫn hay inbox với… 1001 câu hỏi về hoa kiểng.
Chợ hoa tết thường bày bán từ khoảng 20 Tết. Tuy nhiên lúc này chỉ nên mua hoa để cúng kiếng, hoặc mua các loại cây cảnh mà thôi. Nếu muốn hoa để chưng thì tốt nhất nên mua tầm khoảng 26 - 27 Tết, vì lúc này những chậu hoa cũ đã bán hết.
Thời điểm này bà con nông dân mang hoa mới ra để bán. Nhìn những chậu hoa cũ đã bắt đầu ủ rủ vì nằm chợ nhiều ngày với chậu hoa tươi rói mới từ ruộng hoa lên, chỉ cần liếc sơ qua là phân biệt được liền. Chọn mua hoa lúc này thì chúng ta sẽ dễ dàng đoán được lúc nào hoa nở đẹp, sao cho sáng mùng 1 hoa nở rộ, khoe sắc rực rỡ nhất.
Anh Phúc bên lô hoa của gia đình
Mua hoa chưng Tết, nếu như bạn cứ nhìn hoa, thấy chậu nào nở đẹp thì mua là chưa đúng.
Mua hoa, nên nhìn trước tiên vào gốc, nhìn lá từ dưới lên trên, nếu thấy cái nào mà lá gần gốc bị héo, hoặc bị vàng từ dưới lên trên thì không nên mua, vì thể nào về được một vài hôm cũng queo râu chết rũ. Nếu lá không vàng, cũng nên xem lá có bị lủng không, có bị sâu không, có bị lốm đốm không nữa.
Tiếp theo mới là chọn hoa. Hoa ở chợ hoa xuân có hàng trăm loài, nên nếu bạn muốn mua hoa nào thì nên hỏi bác Google trước, để xem đặc tính của loài hoa đó thế nào, chưng được bao lâu… Có khi bạn chọn hoa chưng Tết nhưng chọn trúng chậu mãi đến tận rằm tháng Giêng mới nở thì coi như thua rồi!
Hoa chưng trong dịp Tết phổ biến nhất là hoa cúc, với cúc đại đóa (có người gọi là cúc Hà Lan hay cúc xơ mít) hoặc cúc vàng hè, bông cũng to nhưng ngắn xớ hơn cúc đại đóa.
Bạn cần chú ý: Vào tầm 26 - 27 Tết thì đường kính hoa phải nằm trong tầm 10 - 15 cm thôi, nhỏ quá thì không đạt mà to quá thì đến Tết hoa sẽ bung hết trơn.
Nếu bạn ngại sâu thì cần kiểm tra kỹ bằng mắt ở phần nhụy hoa, nếu có bạn sẽ thấy “sản phẩm” của chúng để lại, đừng vạch từng bông tìm sâu coi chừng bị “đốt phong long”. Cần xem kỹ phần hoa ở gần cuống có còn nguyên vẹn không, vì một số người thường sẽ ngắt bớt cánh héo ở vị trí này.
Tấp nập chợ hoa ngày Tết
Đối với các loại như: cúc mâm xôi, hoa thược dược, hoa hướng dương… nếu mua tầm 26 - 27 mà không thấy ánh vàng ánh đỏ, không thấy bung nở, thì chỉ nên mua về để chơi rằm tháng giêng.
Ngoài ra các yếu tố mỹ thuật thì những yếu tố kỹ thuật như số lượng cây, quy cách chậu, loại giá thể… cũng là việc nên lưu ý. Thường nhà vườn ở miền Tây sẽ trồng hoa bằng đất pha tro, loại này làm giỏ hoa hơi nặng, nhưng chắc chắn để được lâu hơn các loại khác.
Khi mua nên chọn hoa ở phía bên ngoài, vì hoa đẹp người ta mới chưng ra mặt tiền. Nhiều người thấy hoa để tít ở phía trong thì một đòi chen vô lựa, hai đòi mua cuối cùng chọn phải hoa không được đẹp.
Tốt nhất bạn nên tin tưởng vào người bán, nhờ họ lựa cho những chậu hoa đẹp, vì người bán luôn muốn bán hết những chậu hoa đẹp, còn chậu nào xấu thì để lại bán giảm giá kiểu hàng dạt vào chiều 30 Tết, chứ không ai muốn ém lại những chậu đẹp để khi chợ tàn phải bán giá thấp đâu.
Rực rỡ sắc mai vàng trong chợ hoa xuân
Nếu bạn có ý định mua hoa về chưng tết xong rồi sau đó đem trồng lại thì hãy… bỏ ý định đó đi! Việc chăm sóc và xử lý cho đến khi hoa trổ bông phần lớn những người có nghề mới có thể làm được. Và các giống F2, F3… thì nhiều khả năng nó không tốt như đời đầu, cho nên năm nào người ta cũng phải đi mua hoa đấy thôi.
Đặc biệt lưu ý đối với các loại kiểng có trái như: cam, quýt, bưởi, nho, tắc, chanh, ớt... khi chưng Tết xong thì đừng có tiếc rồi lấy làm mứt, làm thuốc, ngâm giấm… để ăn; cũng đừng hái bông cúc phơi làm trà, hoa mai ngâm rượu hay món gỏi trộn lá vạn thọ khoái khẩu của dân miền Tây nữa… Trong lúc trồng hoa kiểng, nhà vườn đã sử dụng rất nhiều phân thuốc, không có lợi cho sức khỏe đâu!
Trả giá trúng cũng là một nghệ thuật ở chợ hoa
Để có được một giỏ ra chợ, người nông dân đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để làm ra đó. Bình quân mỗi giỏ hoa vạn thọ chẳng hạn, phải mất đến 3 tháng trước khi ra chợ. Suốt 90 ngày nắng mưa, từ khâu làm đất, gieo cây con, chăm bón, bắt sâu, cực khổ vô cùng… nên người đi mua hoa cũng nên “có tâm” một chút!
Việc trả giá ở chợ là cần thiết nhưng 5-10 ngàn chẳng thấm thía vào đâu so với niềm vui có được chậu hoa đẹp mang về nhà. Cho nên khi mua hoa, cần đi xem mặt bằng chung, xem chủng loại đó giá bao nhiêu để có quyết định đúng cho mình, cứ coi một vòng đi rồi chọn, chớ vội vàng.
Nếu bạn biết rằng người trồng hoa nửa đêm phải thức dậy tát nước, nhặt lá bắt sâu, cặm cụi nắng mưa, tay chân đứt nát… thì bạn sẽ không cảm thấy tiếc gì khi phải trả cao hơn vài ngàn mà được một chậu hoa vừa ý, và cũng không chờ đến tận đêm 30 mới mang về nhà những chậu hoa giá rẻ!Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn