Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang nhận xét: Hiện tại tình hình dịch COVID-19 đã ổn định nên người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, không quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng bệnh. Ngoài ra, người dân có tâm lý lo sợ tác dụng của vaccine, không đồng ý tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) với các nguyên nhân như: tiêm vaccine gây mất trí nhớ, suy nhược cơ thể, rụng tóc; đã mắc bệnh rồi không cần tiêm nữa… Bên cạnh đó, một số người dân trên địa bàn đi làm ăn ở các tỉnh khác, cũng làm tỷ lệ tiêm liều nhắc lại tại các địa phương chưa đạt chỉ tiêu.
Đối với vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi: Có 16,7% phụ huynh không đồng ý tiêm vaccine cho trẻ (28.941/172.983 phụ huynh) do sợ trẻ bị các phản ứng nặng sau khi tiêm, lo vaccine ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và có quan điểm là trẻ đã mắc COVID-19 rồi nên không cần tiêm nữa. Mặt khác, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mắc COVID-19 dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ 19,1% (33.038/172.983 trẻ), đây là một trong những nguyên nhân hoãn tiêm theo quy định của Bộ Y tế, cũng góp phần làm chậm tiến độ tiêm chủng trong tỉnh.
Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, cán bộ y tế đã tổ chức điểm tiêm lưu động đến các hộ gia đình còn đối tượng chưa tiêm liều nhắc lại nhưng người dân vẫn không đồng ý tiêm mặc dù đã được sự vận động của các cấp chính quyền và giải thích rõ các lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh.
Một số đợt vaccine được Bộ Y tế phân bổ có hạn sử dụng ngắn (dưới 3 tuần) gây áp lực cho hệ thống tiêm chủng tại địa phương; hoặc Bộ Y tế phân bổ vaccine được gia hạn thời gian sử dụng để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tạo tâm lý e ngại và các phụ huynh từ chối tiêm chủng cho trẻ. Đối với loại vaccine Abdala, địa phương không có nhu cầu sử dụng nhưng Trung ương vẫn phân bổ về tỉnh với hạn sử dụng còn rất ngắn (dưới 3 tuần).
Trước tình hình trên, để công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới đạt yêu cầu, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng các ban ngành, các địa phương tập trung công tác tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tham gia tiêm chủng kịp thời, đầy đủ để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Theo tiến độ cung ứng vaccine của Trung ương, tỉnh Tiền Giang phấn đấu đến hết Quý II/2022 sẽ hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng và tiêm liều nhắc lại lần 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt từ 90% trở lên. Tỉnh tiếp tục tổ chức tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên cần tiêm; đề xuất nhu cầu vaccine và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Sở Y tế Tiền Giang kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục phát hành các thông điệp truyền thông về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 trên các phương tiện truyền thông cấp Trung ương. Các loại vaccine còn hạn sử dụng ngắn nên có phân bổ sớm để giảm bớt áp lực vaccine cận hạn cho địa phương. Bộ Y tế cần có văn bản quy định tiêm đủ mũi đối với một số hoạt động tập trung đông người như trước đây; cấp vaccine theo nhu cầu vắc xin của địa phương.
Đối với địa phương trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngành Y tế tập trung đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em; tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Rà soát số người lớn chưa tiêm mũi 1, mũi 2, mũi bổ sung, nhắc lại (hiện tại vẫn còn một số ít người lớn chưa tiêm mũi 1, mũi 2) để tổ chức tiêm hết cho các đối tượng này. Các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được tác dụng của các loại vaccine trong phòng ngừa COVID-19, từ đó chủ động thực hiện việc tiêm chủng vaccine theo kế hoạch ngành Y tế, đặc biệt là liều nhắc lại.