Văn học Tiền Giang sau ngày giải phóng: Đôi nét phác thảo

Chủ nhật - 01/05/2016 21:54
Chiến thắng lịch sử 30-4-1975 đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, mở ra một giai đoạn mới cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam. Niềm vui chiến thắng hân hoan khi đất nước hòa bình non sông liền một dải, những khó khăn trong những năm đầu giải phóng, công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước, quá trình đổi mới và hội nhập… tất cả đã dội vào tâm hồn những người cầm bút tạo nên nguồn cảm hứng to lớn, mở ra những chân trời mới cho quá trình sáng tạo cho văn nghệ sĩ.
Các tác giả văn học đi thực tế sáng tác đề tài biển đảo tại huyện đảo Lý Sơn
Các tác giả văn học đi thực tế sáng tác đề tài biển đảo tại huyện đảo Lý Sơn

Để đánh giá thành tựu của chặng đường văn học Tiền Giang trong hơn 40 năm qua cần có những công trình nghiên cứu nghiêm túc của các nhà nghiên cứu lịch sử văn học. Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi chỉ ghi lại cảm nhận chủ quan của mình, trong một góc nhìn hạn hẹp nên chắc chắn không thể ghi nhận hết thực tiễn vô cùng phong phú cùng với những bước thăng trầm của đời sống văn học tỉnh nhà.

Những trang viết từ cuộc sống

Có thể nói trong suốt hơn 40 năm qua, phong trào văn học Tiền Giang luôn kiên định lý tưởng vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật được cụ thể hóa qua các Nghị quyết như: Nghị quyết Trung ương 5 (1998), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (2008) và gần đây là Nghị quyết Trung ương 33 (2014). Qua đó, tầm suy nghĩ của nhà văn được nâng lên, gợi mở nhiều vấn đề về thời đại và số phận con người trước những chuyển động mới của lịch sử.

Phần lớn các tác phẩm thời gian qua đều gắn với những giá trị nhân văn, những giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, phản ánh chân thực cuộc sống của con người và vùng đất Tiền Giang qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và đặc biệt là mảng đề tài phản ánh cuộc sống của người dân trong sự nghiệp đổi mới tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay.


Các nhà văn đi thực tế sáng tác đề tài "Xây dựng nông thôn mới" tại làng hoa Tân Mỹ Chánh

Trong đó không ít những tác phẩm hay viết về đề tài nông nghiệp nông thôn, đi sâu vào việc mô tả con người và cuộc sống trong cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, chống lại cái ác, cái tiêu cực, thói hư tật xấu đang tồn tại trong xã hội. Thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác giả đã phản ánh, biểu dương, cổ vũ những giá trị tốt đẹp của vùng đất, con người Tiền Giang; góp phần hướng công chúng đến chân - thiện - mỹ, bồi dưỡng lòng yêu nước, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của vùng đất Tiền Giang qua bao đời nay.

Sự chuyển động của đời sống đã tác động mạnh đến văn học. Nhiều tác phẩm văn học của tác giả Tiền Giang trong thời gian gần đây đã được bổ sung thêm các tư liệu mới, cách nhìn mới, phản ánh sinh động và hấp dẫn hiện thực cuộc sống qua nhiều hình thức và nội dung phong phú. Đặc biệt là trong giai đoạn vừa qua cùng với văn nghệ sĩ cả nước, phong trào sáng tác ở Tiền Giang có nhiều tác phẩm hay viết về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nhiều tác phẩm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyển biển đảo, lãnh thổ của Tổ quốc, đồng hành cùng nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.

Hội tụ nhiều phong cách văn chương

Từ sau ngày giải phóng cho đến nay, lực lượng sáng tác văn học Tiền Giang không ngừng phát triển về mặt số lượng lẫn chất lượng, đông đảo với các nhà văn, nhà thơ đã thành danh trong những năm tháng chiến tranh cho đến tác giả trưởng thành sau năm 1975 và đội ngũ đông đảo của những cây bút trẻ hiện nay.

Được UBND tỉnh ký quyết định thành lập năm 1978, Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang đã trở thành mái nhà chung của giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Các tác giả văn học đã tạo ra không ít những tác phẩm giá trị, đóng góp vào thành tựu chung của Tiền Giang từ sau ngày giải phóng cho đến nay, vào việc xây dựng nền văn học cách mạng trong giai đoạn xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.

Điểm qua các tác giả văn học Tiền Giang 40 năm qua, đầu tiên có thể kể đến các nhà văn, nhà thơ xuất hiện thời kháng chiến chống Mỹ và tiếp tục có nhiều tác phẩm được chú ý sau ngày giải phóng như: Đoàn Giỏi, Trần Kim Trắc, Bảo Định Giang, Lê Hà, Thái Phong, Hoàng Tố Nguyên, Nguyễn Xuân An, Kim Tinh, Phạm Trường Yên, Sĩ Tâm…


Buổi giao lưu thơ với các nhà thơ: Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo và Bằng Việt

Các nhà văn trưởng thành sau năm 1975 chiếm số lượng khá đông đảo gồm: Thu Trang, Lương Hiệu Vui, Kim Quyên, Đậu Viết Hương, Lê Tư, Đào Văn Tùng, Thảo Bích, Phương Nam, Huỳnh Anh, Trạc Tuyền, Hoàng Thu Dung, Tường Oanh, Nguyễn Thị Mộng Thu,… Về thơ cũng khá đa dạng với nhiều phong cách riêng như: Lê Ái Siêm, La Quốc Tiến, Nguyễn Chi, Nguyễn Thạnh, Vũ Phán, Hoàng Kim Âu, Trần Công Tùng, Trần Đỗ Liêm, Võ Thị Kim Liên, Võ Tấn Cường, Trần Thị Ngọc Hồng, Vũ Tuấn,…

Những cái tên quen thuộc trên đây chưa phải tất cả nhưng là những gương mặt tiêu biểu. Các tác giả này ít nhiều đã có những thành tựu đáng kể trong nghiệp viết đã đoạt giải thưởng văn học và phần lớn vẫn đang tiếp tục sáng tạo một cách sung mãn trong lao động nghệ thuật, góp phần làm nên diện mạo văn học Tiền Giang đương đại.

Nhiều gương mặt trẻ

Việc tìm kiếm và bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ là một trong những công tác được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đặc biệt chú trọng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội đã tổ chức khóa bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ và không ít những học viên ngày ấy đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường văn nghiệp sau này. Năm 1998, CLB Sáng tác văn học trẻ Tiền Giang được thành lập và không lâu sau đó, tập san Văn Nghệ Trẻ được đều đặn xuất bản đã tập hợp được đông đảo lực lượng các cây bút trẻ yêu thích và đam mê sáng tác văn học, gây được tiếng vang trên văn đàn.

Nhà văn Thu Trang - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, một trong những người khai sinh và gắn bó với CLB từ những ngày đầu thành lập nhớ lại: "Một thời gian dài sau thập niên 80, văn đàn trở nên trầm lắng vì thiếu vắng những cây viết trẻ có tiềm năng. Từ khi CLB Sáng tác Trẻ được thành lập, hàng loạt cây bút đầy triển vọng bắt đầu định hình, bổ sung đội ngũ sáng tác của tỉnh, nhiều bạn đã trở thành hội viên của Hội VHNT Tiền Giang, một vài cây bút đã bắt đầu định hình được phong cách riêng cho mình...".

Những hoạt động của CLB Sáng tác trẻ, đã khơi nguồn cho phong trào sáng tác văn học, qua đó các tác giả trẻ đã trưởng thành hơn trong việc tìm tòi, thể nghiệm phong cách thơ của mình, góp phần tạo nên diện mạo cũng như không khí sôi nổi cho văn học tỉnh nhà. Cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang qua 3 lần tổ chức cũng đã tìm ra được nhiều gương mặt mới đầy triển vọng cho phong trào thơ ca. Một vài cây bút trẻ của Tiền Giang đã bắt đầu định hình được phong cách riêng cho mình và khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn như: Nguyễn Thanh Hải, Ngọc Lệ, Nguyễn Trọng Tấn, Nguyễn Quốc Đạt, Nhật Linh, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Quốc Vũ, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Nguyễn Thị Chí Mỹ, Trịnh Ân Tứ, Trần Hà Lý Thái Bạch, Trần Thị Thùy Trang, Tố Trinh, Phan Khắc Huy,…


CLB Sáng tác trẻ Tiền Giang giao lưu với các nhà văn trong Ban văn trẻ (Hội Nhà văn VN),
từ phải qua: Võ Thị Xuân Hà, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Phong Hân

Về nội dung, sáng tác của nhiều cây bút trẻ Tiền Giang đã bắt đầu bắt nhịp được hơi thở của cuộc sống đương đại, đa dạng và phong phú với rất nhiều dòng chảy khác nhau. Mặc dù biên độ các đề tài được các tác giả trẻ khai thác trong tác phẩm của mình được mở rộng tối đa nhưng hầu hết vẫn giữ được bản sắc vùng miền, đồng thời các tác giả trẻ đã khẳng định được tài năng, sức sáng tạo của mình bằng sự tươi mới trong cảm xúc và tác phẩm. Tuy nhiên những tác giả có tác phẩm vượt qua khỏi ranh giới hành chính nơi mình sinh sống và tạo được tiếng vang trên văn đàn vẫn còn khá khiêm tốn. Nhiều cây bút theo sự đào thải khắc nghiệt của văn nghiệp hay vì chuyện “cơm áo gạo tiền” từ lâu đã không còn gắn bó với văn chương thi phú nữa.

Công tác lý luận phê bình chưa tương xứng

Lý luận phê bình được xem là quá trình tự ý thức của hoạt động văn học nghệ thuật. Chính vì thế công tác lý luận phê bình luôn đồng hành với việc sáng tác, là sự đánh giá, thẩm định, lý giải, định hướng cho hoạt động sáng tạo, đồng thời còn đánh giá thẩm định sự tiếp nhận của công chúng tiếp nhận; dự báo xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật đương đại.

Theo đánh giá của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hoạt động lý luận phê bình thời gian qua ở Tiền Giang đã có bước chuyển biến, đã tiếp cận được với các trào lưu lý luận của thế giới với tinh thần khoa học, vận dụng sáng tạo đã tạo được tác dụng gợi mở cho sáng tạo và tiếp nhận văn chương. Hội đã thành lập được Hội đồng lý luận phê bình và thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về tác giả, tác phẩm nhằm trao đổi, đánh giá nâng cao trình độ chuyên môn.

Tuy nhiên nhìn chung, công tác lý luận phê bình văn học hiện nay không chỉ ở Tiền Giang mà trên phạm vi cả nước còn mang tính thụ động, thiếu tính chiến đấu, thiếu tính định hướng và đội ngũ những người làm công tác phê bình vẫn còn thiếu và yếu. Nhất là trong giai đoạn giao lưu, hội nhập hiện nay, khi mà các trào lưu sáng tác mới đang xâm nhập vào đời sống văn học nước ta, đòi hỏi công tác lý luận phê bình văn học cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm thực hiện đổi mới, Tiền Giang đang cùng cả nước chuyển mình mạnh mẽ đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây sẽ là nguồn cảm hứng mới, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi nhà văn trong việc tạo nên những tác phẩm mang nội dung tư tưởng và giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần đồng hành cùng sự phát triển đi lên của tỉnh nhà.

Lê Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập411
  • Máy chủ tìm kiếm74
  • Khách viếng thăm337
  • Hôm nay95,137
  • Tháng hiện tại1,961,631
  • Tổng lượt truy cập40,331,007
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây