Với anh Trần Văn Nhớ, khu 4, thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước, ca hát là niềm đam mê từ nhỏ dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, chủ yếu nhờ vào việc bán hủ tiếu và làm thuê làm mướn. Trước đây, anh phải lặn lội đến tận TP Mỹ Tho để theo thầy Minh Tô tìm hiểu loại hình nghệ thuật truyền thống này. Đến nay, anh đã cơ bản nắm vững và hát đúng nhịp các bài bản tổ.
Còn với nông dân Nguyễn Văn Phố, ấp Tân Vinh, xã Tân Lập 2, cuộc sống quanh năm vất vả bên liếp khóm vẫn không dập tắt được ngọn lửa đam mê đờn ca tài tử. Từ nhỏ, anh Phố đã thích đờn và tự mình tìm tòi, học hỏi, trau dồi để ngón đờn ngày càng điêu luyện hơn.
Niềm đam mê về loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử đã thấm sâu vào những con người ấy, họ tự nguyện tham gia câu lạc bộ (CLB), coi nhau như tri kỷ khi có cùng đam mê, cùng sở thích được đem lời ca, tiếng hát của mình gửi tặng đến mọi người và cũng để thỏa lòng đam mê ca hát.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật đậm chất dân dã. Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử thường được tổ chức rất đơn giản, có lúc vài ba chục người, cũng có khi chỉ năm ba người, ít ai đến với đờn ca tài tử mà không muốn hát một bài.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tân Phước cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 CLB đờn ca tài tử với hơn 100 thành viên, ngoài việc tổ chức sinh hoạt lệ kỳ hàng tháng, các CLB còn thường xuyên tổ chức giao lưu với các CLB trong và ngoài tỉnh để các nghệ nhân có dịp trao đổi, giao lưu, phát huy niềm đam mê và gìn giữ các câu ca, ngón đờn; đồng thời giúp khơi gợi niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử trong lớp trẻ trên địa bàn huyện.
Với nhiều người dân Tân Phước, đờn ca tài tử đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Tình yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc vẫn còn đó như mạch ngầm lặng lẽ chảy qua bao thăng trầm, biến đổi, chắc chắn sẽ được tiếp nối và lan tỏa ngày càng mạnh mẽ hơn.