Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VIII - ĐBSCL: Quy tụ nhiều tác phẩm tốt, mang giá trị nghệ thuật cao

Chủ nhật - 07/08/2016 20:29
Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 21 do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 9-18/8/2016 tại Thành phố Mỹ Tho. Đây là một trong những hoạt động văn học nghệ thuật lớn không chỉ của tỉnh mà còn của cả khu vực ĐBSCL.


Để bạn đọc có thêm thông tin về đợt triển lãm mỹ  thuật lần này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nghệ nhân ưu tú, Soạn giả Nguyễn Huỳnh  Anh -  Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, Trưởng Ban Tổ chức triển lãm.

- P.V: Xin ông cho biết đôi nét về nội dung, mục đích của triển lãm

mỹ thuật lần này?

- NNƯT, soạn giả Huỳnh Anh: Từ năm 1996 đến nay, Hội Mỹ thuật

Việt Nam luân phiên phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức các cuộc triển lãm mỹ thuật nhằm đẩy mạnh phong trào sáng tác, phục vụ nhiệm vụ chính trị và đưa mỹ thuật đến với công chúng. Qua đó, Hội Mỹ thuật Việt Nam tuyển chọn các tác phẩm xuất sắc có chất lượng nghệ thuật cao và nội dung tư tưởng tốt để xét trao giải thưởng hàng năm.

Tiền Giang đã 2 lần tổ chức thành công Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII ĐBSCL vào năm 2003 và 2010. Năm nay, được sự chấp thuận của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL và Hội VHNT tỉnh Tiền Giang tiếp tục được Hội Mỹ thuật Việt Nam tin tưởng trao trọng trách đăng cai

Triển lãm tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang từ ngày 8-18/8/2016. Sự kiện này đã tạo nên không khí phấn khởi trong giới nghệ sĩ tạo hình Tiền Giang và là cơ hội để anh em họa sĩ tỉnh nhà giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với các họa sĩ trong khu vực. Đối với công chúng yêu mỹ thuật, đây là dịp để thưởng thức những tác phẩm hội họa tiêu biểu của đông đảo các họa sĩ trong khu vực.

- P.V: Về đối tượng tham dự, thể loại và số lượng tác phẩm, Ban Tổ chức quy định cụ thể thế nào thưa ông?

- H.A: Tất cả các họa sĩ trong 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL bao gồm hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và các tác giả chưa phải hội viên đều được gởi từ 1- 2 tác phẩm tham gia.  Hội VHNT mỗi tỉnh sẽ tập hợp tác phẩm qua hình thức ảnh chụp gởi về Hội Mỹ thuật Việt Nam để Hội đồng nghệ thuật sơ tuyển. Qua vòng sơ tuyển, 200 tác phẩm tiêu biểu gồm nhiều loại như: đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, trang trí, sắp đặt… sẽ được tham gia triển lãm và chấm giải. Riêng các tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình mỹ thuật sẽ được gởi về Hội Mỹ thuật Việt Nam để xét giải riêng.

- P.V: Về phía tỉnh nhà, Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang đã có những công tác chuẩn bị gì cho triển lãm lần này, thưa ông?

- H.A: Vì đã có kinh nghiệm trong 2 lần đăng cai trước đây nên lần nầy công việc chuẩn bị cho triển lãm diễn ra khá thuận lợi. Các tiểu ban trang trí, cổ động, tiếp nhận tác phẩm, trưng bày, tiếp tân, bảo vệ trật tự, hậu cần… đều đã vào cuộc từ giữa tháng 7. Ban Tổ chức quyết tâm hạn chế tối đa những sơ sót không đáng có, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo được ấn tượng tốt đẹp cho các họa sĩ khu vực tham gia triển lãm lần này.

- P.V: Được biết, năm nay ngoài giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, giải thưởng của khu vực, Ban Tổ chức còn xét trao giải thưởng cho các tác giả Tiền Giang. Xin ông cho độc giả biết thêm thông tin về giải thưởng này?

- H.A: Từ năm 2013, mỗi năm Hội VHNT đều phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi sáng tác mỹ thuật, tổng kết trao giải và triển lãm vào dịp lễ 30/4. Nhưng năm nay, Tiền Giang đăng cai triển lãm khu vực nên chúng tôi quyết định đưa cuộc thi của tỉnh vào chương trình triển lãm hằng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam để tạo thêm khí thế vui tươi, phấn khởi cho anh em họa sĩ.


Họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) phát biểu
trong buổi tọa đàm nhân triển lãm mỹ thuật khu vực tổ chức tại Tiền Giang năm 2010

Là địa phương đăng cai nên năm nay lực lượng họa sĩ của tỉnh tham gia khá đông đủ. Để giúp anh em có được tác phẩm tốt, ngay từ đầu năm Hội đã tổ chức đầu tư tài vật như chi phí để mua họa phẩm, khung tranh, bố vẽ… tổ chức đi thực tế lấy tư liệu, tọa đàm nghề nghiệp, mở trại sáng tác, mời các họa sĩ có kinh nghiệm nghề nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh về hướng dẫn trại, góp ý phác thảo v.v… Trong cuộc triển lãm lần nầy, 21 tác phẩm của 18 họa sĩ của Tiền Giang đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn treo, số lượng nhiều hơn những năm trước đây, bước đầu đây cũng là một tín hiệu rất đáng phấn khởi.

- P.V: Nhân đây, ông có thể nói thêm về lực lượng sáng tác mỹ thuật của Tiền Giang và thời gian qua Hội đã có những biện pháp gì để phát triển phong trào?

- H.A: Tiền Giang là tỉnh giàu truyền thống văn học nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật. Các họa sĩ thế hệ đi trước đã đóng góp rất nhiều cho mỹ thuật thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như danh họa Nguyễn Sáng, Châu Hồ, Châu Trắng, Huỳnh Đảnh, Nguyễn Hải, Trần Văn Phú, Lý Châu Hoàng, Hồ Văn Phòng, Phan Phương Trực v.v… Các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Ngoãn, Đỗ Đồng, Thanh Châu v.v… từ Trung ương cục đã về lăn lộn ở chiến trường Tiền Giang. Những tấm gương sáng tạo mỹ thuật trong lửa đạn ấy đã tạo nên một truyền thống mỹ thuật sáng ngời để thế hệ họa sĩ trưởng thành sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tiếp tục giữ gìn và phát huy.

Từ năm 1983, Hội VHNT Tiền Giang đã thành lập Chi hội Mỹ thuật tập hợp được hơn 20 họa sĩ từ nhiều nguồn khác nhau. Lớp trung niên gồm những họa sĩ đã có thời gian dài gắn bó với nghề nghiệp như: Trịnh Văn Sang, Tín Trung, Lý Thiện Hoàng, Trần Văn Trầm, Lương Văn Thạnh, Phan Văn Lộc, Võ Văn Hai, Hoàng Anh, Duy Hải, Kông Tâm, Hồng Sơn v.v… với vốn kiến thức nghề nghiệp đầy đặn và tư duy nghệ thuật trầm lắng, sâu sắc. Bên cạnh là lớp họa sĩ trẻ được tiếp thu lý luận hội họa hiện đại, tư duy sôi nổi của cuộc sống mới như: Hà Phú Thành, Trần Văn Danh, Phúc An, Bảo Việt, Phạm Vân, Mai Hương, Đào Kiến Quốc, Thanh Tiên, Châu Pha, Mỹ Dung, Thanh Sơn v.v… Trong số đó, nhiều tác giả tốt nghiệp trường lớp ngành mỹ thuật chính quy, được trang bị đầy đủ kiến thức nghề nghiệp có hệ thống làm cơ sở vững chắc cho sáng tạo. Có người không được may mắn đào tạo qua trường lớp nhưng lại được tích lũy một vốn liếng nghề nghiệp phong phú, đa dạng do việc tự học và trau dồi tay cọ bằng quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc của bản thân. Tất cả được tập hợp về tổ chức Chi hội, cùng trao đổi góp ý, bổ sung kiến thức và kinh nghiệm cho nhau, mục đích cuối cùng là giúp nhau sáng tạo nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị cho Tiền Giang nói riêng và cả nướcnói chung.


Các họa sĩ Tiền Giang trong trại sáng tác mỹ thuật do Hội VHNT tỉnh tổ chức

Trên 30 năm từ ngày thành lập đến nay, Hội VHNT Tiền Giang đã tạo điều kiện cho chi hội tổ chức trên 50 trại sáng tác, hàng trăm chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, trên 50 cuộc giao lưu tác phẩm với tỉnh bạn và TP Hồ Chí Minh, tổ chức trên 200 cuộc triển lãm giới thiệu hàng ngàn tác phẩm tranh tượng với công chúng. Hàng năm, anh em họa sĩ Chi hội đều có tranh tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực và đã đạt được hàng chục giải thưởng, 8 họa sĩ đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Chi hội còn thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật, thu hút trên 30 thành viên, đa số là các giáo viên dạy vẽ và các bạn trẻ yêu thích sáng tác mỹ thuật đến sinh hoạt, học tập nghề nghiệp.

Bên cạnh các tác phẩm hội họa, ngành điêu khắc cũng đã đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng các công trình văn hóa lịch sử như tượng đài, biểu tượng, phù điêu, bia truyền thống v.v… góp phần xây dựng bộ mặt văn hóa lịch sử của tỉnh nhà. Cùng với việc đầu tư công sức cho những tác phẩm mỹ thuật có giá trị tư tưởng nghệ thuật lâu dài, việc sáng tác và thực hiện tranh cổ động luôn được giới họa sĩ Tiền Giang tham gia tích cực. Từ ngày giải phóng đến nay, hàng ngàn tranh cổ động đã ra đời góp phần tuyên truyền cho nhiệm vụ chính trị của địa phương và cả nước.

Có thể nói, lực lượng sáng tác mỹ thuật của Tiền Giang đã trưởng thành nhiều trong hoạt động nghề nghiệp và từng bước khẳng định vị trí của mình trong phong trào  sáng tác mỹ thuật của khu vực và cả nước.

- P.V: Chân thành cảm ơn ông và xin chúc cuộc triển lãm lần này thành công tốt đẹp!

Lê Văn (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập341
  • Máy chủ tìm kiếm65
  • Khách viếng thăm276
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,672,674
  • Tổng lượt truy cập40,042,050
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây