Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Gianghttps://tuyengiaotiengiang.vnpttiengiang.vn/uploads/screenshot_1_5.png
Thứ sáu - 04/10/2024 04:35
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là góp phần xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, các xã trên địa bàn huyện Tân Phước đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Thiết chế văn hóa cơ sở là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa thể thao của nhân dân trên địa bàn dân cư; đồng thời thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương. Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2024, từ chủ trương xây dựng nông thôn mới huyện Tân Phước đã đầu tư xây mới, sửa chữa 11/11 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, có sức chứa từ 200 đến 250 chỗ ngồi và các công trình phụ trợ; đầu tư xây dựng mới các phòng chức năng (Phòng hành chính; phòng đọc sách; phòng thông tin - truyền thanh; phòng sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB); phòng tập thể thao đơn giản;…) và xây dựng, sửa chữa 51/51 Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, diện tích đất quy hoạch từ 300 - 1.500 m2, quy mô xây dựng 100 chỗ ngồi, có sân khấu 30m2 khang trang, sạch đẹp, đạt chuẩn quy định.
Với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, việc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng được quan tâm thực hiện.Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa ấp trên địa bàn huyện ngoài vai trò tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn là nơi phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn. Đây cũng là nơi để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đặc biệt, các mô hình sinh hoạt CLB, nhóm sở thích như CLB đờn ca tài tử, CLB hát với nhau, CLB Dưỡng sinh, CLB Khiêu vũ, CLB Võ thuật, CLB Gia đình phát triển bền vững…đã thực hiện tốt vai trò kết nối các thành viên trong CLB và đáp ứng nhu cầu giao lưu, giải trí cho người dân trên địa bàn. Với cách thức duy trì sinh hoạt ít nhất 01 lần/quý, các CLB trện địa bàn đã thu hút hàng chục ngàn lượt người dân đến sinh hoạt, vui chơi hàng năm.
Việc trang bị các dụng cụ thể thao ngoài trời tại các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục thể thao của người dân cũng được quan tâm thực hiện. Trong năm 2024 các xã đã đầu tư kinh phí trên 300 triệu đồng để trang bị các dụng cụ thể thao ngoài trời ở nơi công cộng phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục thể thao của người dân. Từ đó thu hút đông đảo người dân tự giác tham gia rèn luyện sức khỏe góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Số người tập luyện thể thao thường xuyên trên địa bàn huyện là 22.965/64.930 đạt tỷ lệ 37,20%; số gia đình tham gia tập luyện thể thao thường xuyên 4.204/16.311 đạt tỷ lệ 25,79%. Công tác phổ cập bơi luôn được các xã quan tâm thực hiện, hàng năm Ủy ban nhân dân các xã đều có xây dựng kế hoạch phòng, chống đuối nước và phổ cập bơi cho trẻ em trên địa bàn. Trong đó, phân công Công chức Văn hóa - Xã hội phụ trách Thể thao hoặc phối hợp với cán bộ phụ trách Thể thao tham mưu xây dựng kế hoạch phối hợp với các trường trên địa bàn tổ chức hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến dưới 16 tuổi, đạt tỷ lệ trên 60%.
Người dân tham gia luyện tập thể thao hàng ngày tại Trung tâm Văn hóa xã Hưng Thạnh
Có thể thấy từ khi các thiết chế văn hóa được đầu tư và từng bước hoàn thiện, là nền tảng để các CLB về văn hóa, văn nghệ, thể thao ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên hơn, góp phần quan trọng trong việc duy trì và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa của cộng đồng. Tuy nhiên, qua thực tế đánh giá thì công tác tổ chức quản lý, khai thác các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa ở một vài xã vẫn còn một số mặt hạn chế về nội dung, hình thức và chưa thường xuyên. Việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vẫn còn hạn chế. Mặt khác, đội ngũ cán bộ văn hoá - thể thao còn kiêm nhiệm nhiều việc, chưa có thời gian đầu tư nghiên cứu tổ chức các hoạt động nên chưa có kỹ năng, phương pháp tốt để tham mưu tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ- thể dục thể thao cho người dân.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với ngành Văn hóa trong thời gian tới là việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa ấp nhằm phát huy công năng hoạt động của các thiết chế văn hóa, tránh lãng phí; đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là củng cố nâng chất ấp, khu phố văn hóa, gia đình văn hoá và các danh hiệu văn hóa nơi công cộng theo hướng lấy chất lượng là chính; đồng thời, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở … nhằm góp phần nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tiếp theo.