1. Việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính Tỉnh ủy
Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát; theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là công tác tự kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, đề ra các giải pháp phù hợp phòng ngừa hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, luôn duy trì hoạt động giám sát thường xuyên công tác PCTNTC, tập trung giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về tham nhũng, tiêu cực bảo đảm được thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời năm 2023, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã trực tiếp thực hiện 03 cuộc kiểm tra đối với 03 cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp; tham gia 01 đoàn xác minh, 01 đoàn giám sát, 03 đoàn kiểm tra của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; tham gia Tổ đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2022. Giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cấp ủy, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận kiểm tra, giám sát.
2. Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện việc kiểm tra, giám sát
Năm 2023, Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã kịp thời tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức các phiên họp, cuộc họp; theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác PCTNTC; kế hoạch làm việc với 11 bộ phận tham mưu, giúp việc cấp ủy huyện, thành, thị về công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp đối với 02 cấp ủy huyện trực thuộc Tỉnh ủy; Chương trình kiểm tra, giám sát đối với 05 tổ chức đảng trực thuộc; Chương trình kiểm tra, giám sát số 39-CTr/BCĐ ngày 24/3/2023 và chủ trì, phối hợp với thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 04 tổ chức đảng; theo dõi, đôn đốc thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện việc giám sát thường xuyên đối với các tổ chức đảng theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo tỉnh. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường công phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, để kịp thời phát hiện, đề ra các giải pháp phù hợp phòng ngừa hiệu quả các hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra. Theo kết quả xếp loại công bố trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang được Trung ương đánh giá tốt, xếp vào các tỉnh đạt thành tích cao so cả nước về thực hiện công tác PCTNTC.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTNTC nói chung và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nói riêng vẫn còn một ít hạn chế như: rất ít vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện thông qua công tác tự kiểm tra, thanh tra nội bộ hay phát hiện tham nhũng từ sinh hoạt Đảng, nội bộ cơ quan, đơn vị. Mặt khác, qua các cuộc kiểm tra cho thấy một ít cấp ủy, tổ chức đảng chưa cụ thể hóa các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của tổ chức, cơ quan, đơn vị nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện ... Từ thực tiễn đó đòi hỏi trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc thực hiện các quy định về PCTNTC; phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như: quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đầu tư công, quy hoạch, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, đấu giá; kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...
Thứ hai, tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều khiếu kiện hoặc khiếu kiện kéo dài.
Thứ ba, chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, kịp thời chấn chỉnh vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phòng, chống tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đưa công tác phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu.
Thứ tư, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, đề án của Trung ương, các Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC thành các văn bản chỉ đạo thực hiện sát với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong thời gian tới, Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTNTC lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực và công tác kiểm tra, giám sát theo phương châm “đúng trọng tâm, kịp thời, chính xác, hiệu quả cao”, góp phần phục vụ tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ chính trị, củng cố, nâng cao mức độ tín nhiệm của Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 15-KH/BNCTW ngày 25/5/2021 của Ban Nội chính Trung ương về Thi đua chuyên đề “Phát hiện và tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; chủ động tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025”.