Tất cả những người làm công tác phát thanh, truyền hình Tiền Giang đều phấn khởi và tự hào vì đã “ươm cho đời những dòng mật ngọt” thể hiện trong các tác phẩm báo hình, báo nói suốt thời gian qua. Đó là những thành tích nổi bật được đánh dấu bằng những mốc son: nhận Huân chương Lao động hạng III của Hội đồng Nhà nước năm 1987; Huân chương Lao động hạng II của Chủ tịch nước năm 2000 và làm lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng I của Chủ tịch nước trao tặng vào sáng ngày 16/9/2014.
Vươn xa cánh sóng…
Hòa cùng dòng chảy với những mốc son lịch sử từ ngày thành lập đến nay, những người làm công tác phát thanh, truyền hình tỉnh Tiền Giang đã đóng góp tích cực và hiệu quả cho việc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Ngót 35 năm đi qua, những năm đầu cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu, các chương trình phát thanh, truyền hình sản xuất còn hạn chế về thời lượng, chất lượng và mức độ thông tin cũng như diện phủ sóng. Đến nay, toàn ngành có gần 400 cán bộ viên chức (Đài cơ sở 173, Đài huyện 93, Đài tỉnh 130); cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, thiết bị kỹ thuật sản xuất và phát sóng từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo hướng số hóa, hiện toàn bộ máy móc, thiết bị sản xuất, lưu trữ, truyền dẫn và phát sóng đã được trang bị số hóa 100%.
Đầu năm 2014, thời lượng phát sóng trên 2 kênh phát thanh và truyền hình đã được nâng lên, sóng truyền hình phát 24 giờ/ngày, phát thanh 18 giờ/ngày. Trang thông tin điện tử của Đài chính thức đi vào hoạt động từ 16/9/2009 với các tin tức, chuyên tiết mục phong phú, được xem như là một kênh tuyên truyền, thông tin thứ ba bên cạnh sóng phát thanh, truyền hình. Sóng phát thanh FM hòa mạng radio, internet Đài Tiếng nói Việt Nam luôn có lượng thính giả và cộng tác viên thường xuyên. Riêng kênh truyền hình, tháng 9/2009 được phát sóng trên hệ thống truyền dẫn Mytv, Itv, Nettv; năm 2012, phát trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng của AVG toàn quốc; trên sóng cáp HTVC, SCTV. Đặc biệt, ngày 19/7/2013, Truyền hình Tiền Giang đã phát sóng quảng bá trên kênh vệ tinh VINASAT, đánh dấu sự kiện quan trọng trong hành trình phát triển liên tục, vươn xa cánh sóng của Đài cũng như toàn ngành. Hiện nay, vùng phủ sóng đã được mở rộng trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế, giúp khán - thính giả thường xuyên cập nhật tình hình hoạt động, sự đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội của Tiền Giang thông qua các chương trình thời sự, chuyên mục, văn nghệ giải trí.
…Ươm cho đời những dòng mật ngọt
Ba mươi lăm năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ thời gian để nhìn lại, đúc kết những việc đã làm được, ghi nhận những thành tích nổi bật với sự cống hiến miệt mài, đôi khi thầm lặng của những người làm báo nói, báo hình Tiền Giang. Suốt chặng đường ấy, trái tim và khối óc của nhiều thế hệ nhà báo phát thanh, truyền hình luôn hòa quyện vào nhịp sống thăng trầm của xã hội, để ươm cho đời những dòng mật ngọt. Đúng thế, 35 năm làm bạn tri âm với khán, thính giả, hàng nghìn bản tin thời sự, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền hình đã đuợc công chúng đón nhận. Ở đó, những cung bậc yêu thương, nỗi niềm trăn trở, không khí hân hoan, đổi mới từng ngày trong đời sống xã hội của tỉnh… đều được thể hiện trong các chương trình, tác phẩm báo chí, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy và định hướng cho người nghe, người xem có sự đồng cảm và hướng đến những điều tốt đẹp, đầy tính nhân văn trong cuộc sống.
Các chương trình chính luận vẫn là dòng mạch chủ lưu mà Ban biên tập luôn quan tâm đầu tư, cải tiến và nâng cao chất lượng thường xuyên. Từ hình thức thể hiện đến cách viết, biên tập bản tin thời sự đều được làm mới hàng năm. Điều đáng ghi nhận là suốt mấy chục năm qua, Ban biên tập Đài PT-TH TG luôn chủ động, phối hợp kịp thời với các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thành, thị thiết lập mạng lưới cộng tác viên phản ánh tin tức thời sự khắp nơi trong tỉnh; mở các chương trình địa phương dành riêng cho các huyện, các chuyên mục đặc thù ngành nghề của các sở, ngành tỉnh như: chương trình Truyền hình Mỹ Tho, chương trình của các huyện, thị, chuyên mục của các ngành Công an, Quân đội, Biên phòng, Nông nghiệp, Giáo dục, Phụ nữ… làm phong phú, sinh động nội dung chương trình chính luận trên sóng phát thanh, truyền hình.
Việc xã hội hóa sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình trong những năm qua đã được quan tâm thực hiện đạt kết quả khả quan, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo gia đình chính sách, gia đình và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Hiện mỗi năm, từ các chương trình từ thiện xã hội như: “Mái ấm nghĩa tình”, “Địa chỉ nhân đạo”, “Tiếp bước đến trường” đã có trên 4 tỷ đồng xây tặng mái ấm cho hộ nghèo, chia sẻ cho những hoàn cảnh bệnh tật, neo đơn và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học trong tỉnh. Chương trình “Đường đến vinh quang” đang bước vào năm thứ 5 kể từ ngày phát sóng đầu tiên, khẳng định thương hiệu riêng của THTG với thể loại trò chơi truyền hình dành cho học sinh THPT các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long; em Nguyễn Trọng Nhân, học sinh trường THPT Chuyên Tiền Giang, giải nhì cuộc thi chung kết năm “Đường đến vinh quang” tỉnh Tiền Giang đã dự thi và đăng quang giải nhất chung kết năm 2014 chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” do VTV tổ chức.
Riêng sóng phát thanh FM, những năm gần đây, các chương trình được cải tiến và hướng tới nhu cầu trực thoại, giao lưu cùng thính giả. Đây là xu hướng tất yếu của cách làm phát thanh hiện đại ngày nay như: chương trình “Lắng nghe và trò chuyện”, tư vấn trực tiếp trên sóng phát thanh hàng tuần về sức khỏe, cuộc sống; “Quà tặng âm nhạc”, “Quà tặng cổ nhạc” là 2 chương trình kết nối trực tiếp với thính giả trên sóng phát thanh về yêu cầu ca nhạc, ca cổ; chương trình phát thanh trực tiếp 30 phút vào 17g mỗi ngày hay như chương trình đọc truyện đêm khuya,… đã thu hút được thính giả gần xa.
Trong chặng đường 35 năm hình thành và phát triển, mặc dù có những giai đoạn Đài PT-TH TG gặp khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, máy móc, nhân lực,… kéo theo chất lượng chương trình chưa cao, nhưng cái được lớn hơn đó là từng bước đổi mới, khởi sắc trong nội dung và phong phú, đa dạng về hình thức thể hiện. Đó chính là thành tựu chung của cả tập thể cán bộ viên chức cơ quan qua các thời kỳ. Nhìn lại để tiếp tục bước đi vững chắc và định hướng cho sự phát triển ngành phát thanh, truyền thanh, truyền hình trong thời gian tới.
Được biết, toàn ngành đang dốc sức thực hiện Đề án xây dựng cơ sở vật chất, trang bị thêm máy móc, kỹ thuật cho kế hoạch phát triển từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện mục tiêu đổi mới và phát triển, từng bước nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất; tăng thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình do Đài tự sản xuất, giảm bớt các chương trình vay mượn; mở rộng quan hệ khai thác các nguồn tài trợ, xã hội hóa sản xuất chương trình, đảm bảo sức sống và sự hấp dẫn của các chương trình đang phát sóng, để lại dấu ấn mang thương hiệu riêng trong lòng khán, thính giả. Các chương trình thời sự, chuyên đề, chuyên mục tiếp tục bám sát, phản ánh chân thực hơi thở của cuộc sống theo đúng chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin giải trí của nhiều tầng lớp, lứa tuổi.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập (16/9/1979 - 16/9/2014), Đài PT-TH TG vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng I của Chủ tịch nước trao tặng, niềm vui như được nhân đôi, chắc chắn sẽ tạo nên động lực mới, chắp thêm cánh sóng cho kênh phát thanh, truyền hình Tiền Giang ngày một vươn xa, tiếp tục ươm cho đời những dòng mật ngọt.