Các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh triển khai, vận động đoàn viên, hội viên tham gia, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp diễn ra sôi nổi, trong đó tập trung vào đối tượng thanh niên, phụ nữ, sinh viên do Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Trường Đại học Tiền Giang thực hiện.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Tiền Giang Nguyễn Thành Luân cho biết: Thông qua hoạt động tổ chức hiệu quả cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Tiền Giang”, nhiều dự án của đoàn viên, thanh niên đã được hỗ trợ phát triển, một số ý tưởng đã hiện thực hóa. Các dự án khởi nghiệp được hướng dẫn, tiếp cận nguồn Qu ỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh và đến nay đã giải ngân cho 24 dự án của thanh niên trên địa bàn tỉnh với 1,5 tỷ đồng.
Qua quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, phong trào khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc, trong đó có những dự án dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu như: Dự án “Trồng na Thái” của bạn Đoàn Chí Hữu ở huyện Cái Bè; dự án “Nuôi trùn quế bằng phương pháp mới giảm tác động đến môi trường” của bạn Nguyễn Thị Thu Trang ở Thị xã Gò Công; dự án “Trồng rau sạch công nghệ cao ứng dụng phương pháp thủy canh hồi lưu” của bạn Huỳnh Thanh Triều ở huyện Gò Công Tây; dự án “Xử lý phân chuồng tại gốc thanh long bằng chế phẩm sinh học” của bạn Nguyễn Hồng Thái ở Thành phố Mỹ Tho; dự án “Nuôi chồn hương” của bạn Phan Lê Thúy Vi ở huyện Chợ Gạo…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp, nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn tổ chức dạy nghề ngắn hạn; kết nối cùng Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang trợ vốn ưu đãi gần 27 tỷ đồng cho 1.479 hội viên phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với các ngành nghề bán thức ăn, mở rộng kinh doanh…
Đơn cử như chị Phạm Thị Kiều Trang, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây tham gia Hội thi “Phụ nữ ý tưởng khởi nghiệp” năm 2022 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức và đã đoạt giải Nhì với các sản phẩm chế biến từ nấm linh chi, như: nấm linh chi nguyên tai, trà túi lọc linh chi, rượu linh chi… Nhờ được hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp, chị Kiều Trang hiện đang triển khai các kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, vừa nuôi trồng, vừa chế biến các sản phẩm từ nấm linh chi.
Hay như chị Trần Thị Bé, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình từ sản xuất bánh rế. Ban đầu, chị Bé chỉ sản xuất thủ công nên sản phẩm bánh rế làm ra không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cũng như thị trường. Vì vậy, chị quyết định vay vốn, đầu tư máy làm bánh; tham gia lớp khởi sự kinh doanh do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Hiện tại cơ sở sản xuất bánh rế của chị đi vào hoạt động ổn định và giải quyết việc làm cho hơn 10 chị em trong xóm… Các cấp Hội còn trao phương tiện sinh kế, với tổng trị giá 250 triệu đồng cho 55 lượt hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vốn nhàn rỗi không tính lãi với tổng số tiền gần 44 tỷ đồng cho 5.820 lượt hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình.
Kết quả, hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Tiền Giang từng bước được hình thành, phong trào khởi nghiệp trong xã hội, nhất là đối tượng thanh niên, sinh viên, phụ nữ được thúc đẩy mạnh mẽ.