Cây trồng đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến là cây mãng cầu xiêm. Qua nhiều năm bén rễ trên vùng đất khắc nghiệt, cây mãng cầu xiêm dần dần khẳng định vị trí hàng đầu, là cây ăn trái đặc sản, tạo nên thương hiệu cho huyện cù lao Tân Phú Đông. 5 năm trước, diện tích mãng cầu xiêm đạt khoảng 320 ha, đến nay huyện có khoảng 650 ha, được trồng nhiều tại các xã Tân Phú, Tân Thạnh.
Dựa vào đặc tính dễ thích nghi của cây mãng cầu xiêm, bà con nông dân huyện Tân Phú Đông đã áp dụng các biện pháp khoa học kĩ thuật, ghép nhánh mãng cầu xiêm vào thân cây bình bát để cây mau lớn, trái nhiều và cho năng suất cao. Đây được xác định là loại cây ăn trái chủ lực của huyện có hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Có thể nói, đây là cây trồng có thể sánh ngang với nhiều cây ăn trái khác trong tỉnh về tính hiệu quả. Nhiều hộ gia đình cũng thoát nghèo, trở nên khá giả nhờ chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm.
Anh Hồ Văn Thân xã Tân Phú, một trong những gia đình ở huyện Tân Phú Đông chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm hơn 5 năm về trước, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang. Anh Thân phấn khởi nói: "Lúc trước trồng lúa không bao giờ khá nổi, chỉ đủ ăn là mừng rồi, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ. Từ khi được sự định hướng của ngành nông nghiệp huyện, chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm, rồi được tham gia các lớp chuyển giao khoa học kĩ thuật, hướng dẫn trồng mãng cầu xiêm. Đến nay, vườn mãng cầu xiêm cho trái ổn định, gia đình đã thoát nghèo có điều kiện nuôi các con ăn học và xây dựng được nhà cửa khang trang hơn. Đây thật sự là cây trồng xóa đói giảm nghèo hiệu quả trên vùng đất cù lao Tân Phú Đông này".
Cây mãng cầu xiêm đã mang lại ấm no cho bà con nông dân vùng đất cù lao
Nhắc đến thành tựu nông nghiệp của huyện Tân Phú Đông phải kể đến cây sả, phát triển mạnh tại các xã Phú Đông, Phú Thạnh... Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông thì cây sả là loại cây trồng chịu hạn tốt, chi phí đầu tư, công chăm sóc ít, giá cả ổn định và có thể trồng nhiều vụ trong năm. Vì vậy trong vài năm trở lại đây, nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã được bà con mạnh dạn chuyển sang trồng sả xen canh hoặc chuyên canh. Và hiện nay, cây sả không chỉ phát triển ở 2 xã Phú Đông, Phú Thạnh, mà còn mở rộng ra một phần của xã Tân Phú, Phú Tân, với tổng diện tích trồng gần 700 ha, lợi nhuận bình quân đạt 70 triệu đồng/ha/năm, góp phần giải quyết việc làm hiệu quả hiện nay. Với đặc tính chịu hạn tốt, thích ứng với vùng đất thường xuyên bị khô hạn, giờ đây cây sả được xem là cây trồng giảm nghèo, tăng thu nhập, giúp người dân có thể bám trụ lại vùng đất này.
Anh Trần Văn Thế xã Phú Đông, một trong những hộ gia đình "đổi đời" nhờ cây sả phấn khởi nói: "Trước đây, bà con vùng đất cù lao này chỉ biết có cây lúa và chủ yếu trồng vào mùa mưa. Thế nhưng từ khi cây sả "bén duyên" và có nơi tiêu thụ, đầu ra ổn định, thì cây sả đã trở thành cây trồng chủ lực, làm thay đổi những số phận cơ cực trên vùng đất khó này".
Điều đáng nói, ngoài những hộ gia đình phất lên nhờ cây sả thì công việc lặt sả thuê cũng mang về thu nhập cho hàng trăm lao động nông thôn. Chị Mai Thị Nhỏ, xã Phú Thạnh chia sẻ: "Trước đây, muốn đi làm phải qua tận các khu công nghiệp bên đất liền để làm. Ngày nay, chỉ cần đến các điểm thu mua sả là đã có việc làm và có thu nhập không thua kém đi làm ở các khu công nghiệp. Vừa gần nhà, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình được tốt hơn".
Bên cạnh đó, cây dừa cũng đang phát triển khá mạnh. Hiện trên địa bàn huyện có trên 3.000 ha dừa, lợi nhuận bình quân đạt từ 30 - 50 triệu đồng/ha/năm. Cây dừa được nhiều bà con ở các xã như Tân Thới, Tân Phú và Tân Thạnh chuyên trồng vì đây là loại cây thích ứng khá tốt với thời tiết ở vùng đất này.
Ngoài ra, dựa vào điều kiện địa lý, được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển dài 15 km, Tân Phú Đông cũng tập trung đẩy mạnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 4.200 ha, tăng 1.700 ha so với 5 năm trước, đạt 126% so với nghị quyết của huyện đã đề ra; trong đó chú trọng đến nuôi tôm công nghiệp và nuôi quảng canh. Đồng thời phát triển mạnh các mô hình sản xuất lúa - tôm, lúa - cá... Đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp có tính bền vững giúp người dân thoát nghèo hiệu quả được lãnh đạo huyện ủy và các ngành chức năng có liên quan hỗ trợ kĩ thuật, khuyến khích bà con chuyển đổi phù hợp. Đến nay sau 01 nhiệm kỳ, nhờ chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi, các mô hình phát triển kinh tế, các tổ hợp tác, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 23,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 23,7%, giảm hơn 3.100 hộ.
Có được kết quả khả quan trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả trong thời gian qua, đó là nhờ vào sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là sự định hướng đúng đắn của ngành nông nghiệp huyện nhà. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết: "Nhiệm kỳ vừa qua, các ngành chức năng chúng tôi xác định phải tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Trong trồng trọt, tập trung vào 3 cây trồng chính đó là: mãng cầu xiêm, cây sả và cây dừa; trong nuôi trồng thủy sản tập trung vào con tôm. Thực tế phải nhìn nhận, nhiệm kỳ qua, ngành nông nghiệp huyện đã đi đúng định hướng, phát huy được thế mạnh của vùng. Đời sống người dân từng bước được nâng lên rõ rệt, nhiều ngôi nhà kiên cố, thậm chí có cả "biệt thự mini" mọc lên trên vùng đất cù lao nhờ những vụ mãng cầu xiêm trúng mùa, được giá hay những vụ thu hoạch tôm thắng lợi. Bước sang nhiệm kỳ mới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh này".
Có thể nói bức tranh tổng thể của ngành nông nghiệp huyện Tân Phú Đông qua một nhiệm kỳ đã có những chuyển biến tích cực, với nhiều gam màu khác nhau. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi như: cây mãng cầu xiêm, cây sả, cây dừa hay con tôm... đã minh chứng được hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả trên vùng đất cù lao. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tân Phú Đông đang từng ngày thay đổi và phát triển để bắt kịp với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng như dần khẳng định vị thế của một huyện cù lao.