Cán bộ cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với trách nhiệm nêu gương

Thứ năm - 09/05/2024 23:14
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục, rèn luyện, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên và coi đó là một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng Đảng “trong sạch, vững mạnh”, đồng thời là phương thức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Người đặc biệt đề cao trách nhiệm nêu gương nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Theo Người, cán bộ phải là người có đức, có tài, tức là người có tác phong công tác, làm việc, sinh hoạt sâu sát thực tiễn, gần gũi với nhân dân, mở rộng dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm nêu gương cao. Để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiêm nêu gương của cán bộ, đảng viên như: Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định 08-QĐ/TW (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Mục đích của Đảng ta là đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và thành nếp văn hóa của cán bộ, đảng viên.

Cán bộ kiểm tra nói chung, cán bộ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang nói riêng là một bộ phận trong đội ngũ cán bộ của Đảng, là cán bộ làm công tác xây dựng Đảng chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng của Đảng bộ tỉnh. Cán bộ, đảng viên Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là lực lượng nồng cốt, là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Muốn vậy, người cán bộ, đảng viên trong Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cần phải thật sự nêu gương trên mọi lĩnh vực và nhất là cần phải nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ nhất, nêu gương trong rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng được thể hiện qua việc tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng. Việc nêu gương trong rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng được thể hiện qua việc cán bộ kiểm tra phải có lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gương mẫu chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng. Trong thực hiện nhiệm vụ phải có dũng khí, tính chiến đấu cao, không bị ngã nghiêng, dao động, trước những tác động tiêu cực hoặc những cám dỗ đời thường; mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ động cơ trong sáng, kiên quyết đấu tranh chống những hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, vô trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Khi xem xét, kết luận, xử lý kỷ luật phải đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời, có tình, có lý. Khi xem xét, đánh giá người và việc, cán bộ kiểm tra phải xác định rõ vì lợi ích của Đảng, của sự nghiệp cách mạng để nói đúng sự thật, không thiên vị, không thiên tư, thành kiến và không chen động cơ cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, cán bộ kiểm tra phải nêu gương trong việc tự học tập, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực công tác. Phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực công tác của cán bộ nói chung và cán bộ kiểm tra nói riêng không phải tự nhiên mà có, mà phải qua học tập, rèn luyện thường xuyên, công phu, bền bĩ và lâu dài trong đấu tranh cách mạng, công tác và đời sống. Trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ kiểm tra luôn tiếp cận và giải quyết công việc với nhiều tổ chức, đối tượng, thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần, địa vị xã hội, ở nhiều lĩnh vực, địa phương, ngành nghề khác nhau, đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải không ngừng học tập, nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… phải đi sâu, đi sát thực tiễn, tích cực tìm tòi, học hỏi, có như vậy mới giúp Ủy ban kiểm tra xem xét, đánh giá, kết luận chính xác, khách quan đối với tổ chức đảng và đảng viên. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải cần học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác từ đó hoàn thiện mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Để đảm bảo được yêu cầu về năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ thì một yếu tố quan trọng là cán bộ kiểm tra phải có kế hoạch học tập cho mình, trong đó việc tự học là rất quan trọng.

Thứ ba, cán bộ kiểm tra phải nêu gương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát của đảng có vị trí, vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiệm vụ cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát của đảng là kiểm tra, giám sát việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết đơn thư tố cáo… Đối tượng kiểm tra, giám sát của chúng ta là tổ chức đảng và đảng viên, vì vậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ kiểm tra có thể làm rõ những kẻ hở của cơ chế, chính sách dẫn đến tham nhũng, từ đó dự báo tham nhũng có thể xảy ra để phòng ngừa. Đồng thời, kiểm tra, giám sát cũng còn là một trong những phương thức phát hiện nhanh và hiệu quả các vụ tham nhũng, tiêu cực và người cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải hiểu rõ quá trình chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó nghiêm túc thực hiện Quy định 131-QĐ/TW ngày 02/11/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Thứ tư, cán bộ kiểm tra phải nêu gương trong tự phê bình và phê bình. Cán bộ kiểm tra cần tập trung kiểm điểm về trách nhiệm đối với công việc và nhiệm vụ; về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; về chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật… để thấy rõ ưu điểm mà phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; đồng thời, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau; không được có tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đỗ lỗi. Từng cán bộ kiểm tra phải nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình với chính mình trước khi phê bình đối tượng kiểm tra, giám sát. 

Thứ năm, cán bộ kiểm tra phải nêu gương trong việc giữ vững kỷ luật và giữ bí mật trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là công việc của nội bộ Đảng. Do vậy, người cán bộ kiểm tra phải gương mẫu trong việc chấp hành, giữ gìn kỷ luật của Đảng, kỷ luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, kỷ luật phát ngôn trước đối tượng kiểm tra, giám sát, với tổ chức và cá nhân có liên quan đến nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát. Khi tiến hành kiểm tra, giám sát có nhiều vấn đề liên quan đến nội bộ của Đảng, của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát, cán bộ kiểm tra phải có ý thức bảo mật, giữ gìn bí mật của Đảng, của tổ chức đảng, đảng viên, bí mật trong quá trình kiểm tra, giám sát, không được tiết lộ cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết.

Có thể khẳng định vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua đã thể hiện rõ sự quyết tâm cao của Đảng ta, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Điều đó cũng đặt ra cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng những yêu cầu, nhiệm vụ mới nặng nề hơn, đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải thật sự “nêu gương, công tâm, khách quan, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch; cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng phải là những “Bao Công” của thời nay, phải là những người cộng sản chân chính vừa có dũng khí đấu tranh vừa có lòng nhân ái và nhiều khi phải chịu đựng hy sinh về quyền lợi cá nhân, thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin mà Đảng và nhân dân giao phó” (trích phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập254
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm226
  • Hôm nay75,847
  • Tháng hiện tại1,608,068
  • Tổng lượt truy cập42,404,047
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây