Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với các hội quần chúng

Thứ sáu - 28/03/2025 04:45
Thời gian qua, Đảng ta luôn khẳng định các tổ chức quần chúng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với các hội quần chúng
Ngay từ năm 1990, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khoá VI) “về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân” đã nêu nhiệm vụ: “Cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội, trong giai đoạn mới cần thành lập những tổ chức quần chúng đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống của Nhân dân, hoạt động theo hướng ích nước, lợi nhà, tương thân, tương ái” và tiếp tục ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận liên quan đến hội quần chúng như: Kết luận số 102-KL/TW, ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị (khoá XI) “về hội quần chúng trong tình hình mới”; Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18/8/2018, Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng”; Thông báo số 158-TB/TW, ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư “về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW Bộ Chính trị”.

Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận 102-KL/TW, ngày 01/10/2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn 2399-CV/TU, theo đó, các cấp, các ngành, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân. Từ đó, công tác hội quần chúng đã có những bước phát triển và làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, các cấp ủy đảng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện Kết luận 102-KL/TW, Chỉ thị 17-CT/TW, Thông tri 07-TT/TU, ngày 22/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp huyện, xã tăng cường quản lý, rà soát, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội quần chúng và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của hội. 

Các hội thực hiện đúng điều lệ, các quy định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động, tập hợp hội viên thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của hội, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn; thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức và hoạt động, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của hội viên. Trong hoạt động, các hội thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, củng cố nhân sự lãnh đạo, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để hội quần chúng các cấp tuyên truyền, vận động hội viên, Nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Hàng năm, tỉnh tổ chức kiểm tra hoạt động, công tác quản lý Nhà nước đối với các hội. Qua kiểm tra đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của các hội, việc tuân thủ pháp luật về hội và Điều lệ hội; qua đó, phát huy những mặt tích cực, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những mặt hạn chế và những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách đối với hội.

Thời gian qua, hoạt động của hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác hội quần chúng không chỉ đóng vai trò kết nối cộng đồng, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh. Với sự nỗ lực không ngừng và đổi mới phương thức hoạt động, các tổ chức hội quần chúng đang góp phần xây dựng một tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển bền vững cụ thể như sau:

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thường xuyên tổ chức các Cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật dành cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tuyển chọn công trình, đề tài, sáng kiến giới thiệu tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam hàng năm; tổ chức tư vấn và giám sát, phản biện xã hội đối với các đề tài khoa học, công nghệ, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành... Qua đó, giúp cho các cấp chính quyền, các nhà đầu tư có thêm thông tin, cơ sở luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo chủ trương, Nghị quyết Đảng và Luật Hợp tác xã; duy trì trang web Imhtx.tiengiang.gov.vn và Bản tin "Hợp tác - Phát triển" để cung cấp các thông tin cần thiết, có hình ảnh, video về những Hợp tác xã điển hình tiên tiến, làm ăn có hiệu quả;... Khảo sát, nắm tình hình hoạt động của Hợp tác xã báo cáo có thẩm quyền; phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại để kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên, trở thành điểm tựa vững chắc cho các hợp tác xã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng liên kết vùng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động, khẳng định vai trò, vị thế của thành phần kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh hiện trên 270 Hợp tác xã, hoạt động các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, vận tải và tín dụng với hơn 93.000 thành viên.

Hội Chữ thập đỏ tổ chức hoạt động đa dạng, phát huy hiệu quả hoạt động, ngày càng nâng cao uy tín, khả năng tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân tham gia công tác nhân đạo, xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Nhiều tổ chức Hội Chữ thập đỏ các cấp hoạt động đạt danh hiệu vững mạnh, xuất sắc nhiều năm liền được tặng cờ thi đua, bằng khen của Trung ương Hội, Ủy ban nhân dân tỉnh. Qua đó, khẳng định tổ chức Hội ngày càng phát triển, chất lượng hoạt động được nâng lên; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt tích cực, có khả năng liên kết, phối hợp hoạt động hiệu quả với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân. Các hoạt động tiêu biểu hiệu quả, thiết thực của Hội như: phong trào thi đua “Tết Nhân ái”, “Người tốt, việc thiện, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; hoạt động “Hiến máu tình nguyện”, xây nhà  “Chữ thập đỏ” cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở;… Tổng giá trị các hoạt động công tác xã hội năm 2024 đạt trên 57 tỷ đồng, giúp gần 150 nghìn lượt đối tượng.

Hội Khuyến học tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, nhất là tuyên truyền, vận động xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”, “ Công dân học tập”; phối hợp thực hiện Chương trình học trao bổng “Nâng bước đến trường”; học bổng “Thắp sáng niềm tin; phát động phong trào “Nuôi heo đất gây quỹ Khuyến học”;... sâu rộng dến cán bộ, hội viên và Nhân dân. Tích cực phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền trong nhân dân hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tham gia công tác phổ cập giáo dục, vận động học sinh bỏ học trở lại trường học, góp phần hỗ trợ, ổn định và phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của địa phương. Thời gian qua, hội thực hiện nhiều hình thức vận động tài trợ khuyến học, khuyến tài, đóng góp, ủng hộ tiền, hiện vật để cấp học bổng, xây mái ấm khuyến học cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, thực hiện các chương trình giáo dục truyền thống, khuyến học, khuyến tài… với tổng kinh phí trị giá trên 50 tỷ đồng mỗi năm.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hội thảo tuyên truyền, kiến thức pháp luật về tiêu dùng định hướng tiêu dùng an toàn, lành mạnh, văn minh; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa an toàn, hiệu quả; hướng dẫn kiến thức cơ bản giúp người dân nhận diện phân bón thật, phát hiện phân bón giả, kém chất lượng. Tổ chức tư vấn tiếp nhận và thương lượng doanh nghiệp hòa giải đơn thư, khiếu nại của người tiêu dùng. Phần lớn khiếu nại của người tiêu dùng là sản phẩm hàng hóa không đúng chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, bảo hành không đúng theo phiếu, lỗi kỹ thuật… Các chủ doanh nghiệp đã đổi hàng hóa mới, thu hồi hoặc trả lại tiền mua cho người tiêu dùng.

Hội Người cao tuổi thực hiện tốt các phòng trào thi đua yêu nước: “Tuổi cao - Gương sáng”, “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”; tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư; Chương trình “Người cao tuổi xây dựng gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu”; “Chung tay chăm sóc Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”… Thường xuyên phối hợp tổ chức thăm hỏi, tặng quà chúc thọ, mừng thọ cho hội viên cao niên; vận động quà cho hội viên nghèo, khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh vận động các nhà hảo tâm, hội viên tham gia “Địa chỉ nhân đạo”, các hoạt động an sinh xã hội cho bệnh nhân nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Các hội quần chúng khác tổ chức và hoạt động theo lĩnh vực nghề nghiệp như Hội Châm cứu, Hội Sinh vật cảnh, Hội Cựu giáo chức, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Nuôi ong mật, Hội Làm vườn, Hội Y học,... thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, Điều lệ hội, gắn với tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác phối hợp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với các hội quần chúng có chuyển biến tích cực; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết hội viên; thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, các chương trình mục tiêu quốc gia... tạo sự đồng thuận trong xã hội để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. 

Nhằm củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức hội quần chúng, ngày 21/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1242-QĐ/TU về Quy chế tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ có phạm vi hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; theo đó, quy định số lượng là 14 hội, với chức năng, nhiệm vụ của hội là tổ chức tự nguyện, tự quản, có chức năng, nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, đoàn kết, tập hợp quần chúng theo lĩnh vực, nghề nghiệp; đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, các tầng lớp nhân dân; xây dựng và phát triển tổ chức, phát triển hội viên; là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[1].

Tóm lại, các cấp ủy, tổ chức đảng kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy liên quan đến các hội quần chúng, nhất là Kết luận 102-KL/TW, tạo sự đồng thuận trong công tác sắp xếp tổ chức và biên chế của hội. Thường xuyên quan tâm, lãnh đạo sâu sát các hội quần chúng tổ chức và hoạt động đúng quy định của Điều lệ hội, Nghị quyết của đại hội và các văn bản của Đảng, Nhà nước về quản lý hội. Các hội đã tích cực quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, triển khai quy chế tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, tạo tâm lý an tâm, phấn khởi cho cán bộ, hội viên; đẩy mạnh phối hợp các cơ quan, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của hội; tích cực tham gia góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến hội; tập hợp đông đảo hội viên, thường xuyên giáo dục, động viên, giúp đỡ, phát huy tính tích cực, phát triển chuyên môn, nghề nghiệp, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của hội viên. Hoạt động của các hội quần chúng thể hiện rõ vai trò tập hợp đoàn kết, huy động các nguồn lực xã hội, hội viên tích cực tham gia góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo, giúp nhau giảm nghèo, sản xuất, phát triển ngành nghề, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Công tác hội quần chúng đã trở thành “cầu nối” giữa Đảng và Nhà nước với các tầng lớp Nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng phát triển.

[1] 14 hội theo Quyết định 1242-QĐ/TU gồm: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh; Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Hội Chữ thập đỏ tỉnh; Hội Nhà báo tỉnh; Hội Luật gia tỉnh; Hội Người cao tuổi tỉnh; Hội Đông y tỉnh; Hội Người mù tỉnh; Hội Khuyến học tỉnh; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh; Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh; Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh.
 

Thanh Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập551
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm532
  • Hôm nay29,653
  • Tháng hiện tại117,688
  • Tổng lượt truy cập50,584,007
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây