Dạy thêm, học thêm: Thực trạng và giải pháp quản lý trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Thứ năm - 09/02/2017 19:37
Dạy thêm, học thêm từ nhiều năm nay được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có rất nhiều ý kiến trái chiều với các góc độ khác nhau. Từ một phong trào học tập được khuyến khích là kèm cặp, bổ trợ kiến thức với những học sinh yếu, kém, trung bình, bồi dưỡng học sinh giỏi, thì giờ đây, dạy thêm học thêm với những ý nghĩa tích cực được nghi nhận và cũng đồng thời với việc xuất hiện nhiều biến tướng khác nhau. 
Hội thảo về giải pháp quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đăng Khoa
Hội thảo về giải pháp quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đăng Khoa
Trước hết, dạy thêm học thêm được đánh giá là hoạt động có giá trị bổ sung thêm kiến thức cho học sinh, giúp học sinh nâng cao lực học sau một thời gian rèn luyện và cũng là cơ hội để giáo viên nắm bắt rõ hơn về năng lực của học sinh, kịp thời điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học phù hợp với đối tượng. Ở một khía cạnh khác, việc học thêm cũng xuất phát từ ý muốn của gia đình người học, mong muốn và tin tưởng vào sự tiến bộ của con em sau thời gian đi học thêm; một số gia đình tìm đến việc học thêm với một mục đích khác đó là nhờ thầy cô dạy dỗ con em mình và quản lý các cháu trong thời gian gia đình bận rộn với công việc xã hội, tránh được tình trạng các cháu tham gia vào các hoạt động không lành mạnh ngoài xã hội trong thời gian nghỉ học hoặc gia đình không ở bên các cháu. Trên cơ sở sự đồng thuận giữa gia đình và giáo viên, việc học thêm không có yếu tố tiêu cực, ép buộc. Người giáo viên dạy thêm với động cơ hết sức minh bạch, nghiêm túc là tăng cường kiến thức cho học sinh; tăng thu nhập thêm cho gia đình một cách chính đáng.

Hoạt động dạy thêm học thêm bị xã hội nhìn nhận và đánh giá sai lệch là do một bộ phận nhà giáo lạm dụng việc dạy thêm chỉ vì mục đích thu nhập cá nhân là chính. Thực tiễn đã xảy ra tình trạng giáo viên ép buộc người học phải đi học thêm mặc dù các em không có nhu cầu; để học sinh phải học thêm, giáo viên đã cắt xén chương trình chính khóa, không dạy hết trách nhiệm trong giờ học chính khóa và học sinh không đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra nếu không tham gia học thêm. Trong quan hệ thường ngày trên lớp, một số giáo viên có cách phân biệt đối xử với hai đối tượng học sinh có tham gia học thêm và học sinh không tham gia học thêm một cách thiếu khách quan và thiếu tính nhân văn. Cá biệt có những trường hợp giáo viên có hành động đe dọa, trù dập khiến học sinh và gia đình phải tham gia vào hoạt động này một cách miễn cưỡng.

 Hệ lụy từ mặt trái của vấn đề đã làm uy tín ngành giáo dục bị ảnh hưởng, uy tín nhà giáo bị giảm sút, hình ảnh nhà giáo không còn trong sáng đối với người học, phụ huynh học sinh và xã hội; truyền thống "tôn sư trọng đạo" từ ngàn năm nay của nước ta bị ảnh hưởng. Để hạn chế và tiến đến chấm dứt những tiêu cực của vấn đề này, chúng ta cần có giải pháp đồng bộ, hài hòa, hợp lý vì đây là hoạt động có bản chất khởi điểm là tốt, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới cũng tồn tại hoạt động dạy thêm, học thêm và cũng thừa nhận những khía cạnh tích cực của hoạt động này. Để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, chúng ta cần xem xét nguyên nhân vấn đề từ phía các chủ thể tham gia vào hoạt động dạy thêm, học thêm và những khách thể tác động tới việc nảy sinh tiêu cực của vấn đề này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm gần đây phải liên tục đưa ra các quy định kiểm soát việc dạy thêm, học thêm, trong đó có Thông tư số 17 được ban hành tháng 5/2012, quy định rõ những vấn đề dạy thêm và học thêm. Rõ ràng, vấn đề dạy thêm học thêm đang là vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, cần những giải pháp phù hợp hơn và hiệu quả hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, cũng cần có những đổi mới trong tư duy dạy và học, trong chương trình học theo hướng hiện đại, tránh tình trạng quá đặt nặng kiến thức, dẫn tới việc tự bản thân các gia đình, học sinh cũng có nhu cầu phải học thêm.

Với mong muốn để làm rõ thực trạng hiện nay về vấn đề dạy thêm, học thêm trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm đánh giá đúng thực trạng của việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; hiệu quả tích cực và vấn đề tiêu cực trong dạy thêm, học thêm; đề xuất chủ trương và cơ chế quản lý dạy thêm, học thêm một cách phù hợp, đạt hiệu quả tích cực trong thời gian tới, vừa qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức cuộc hội thảo trong giới hạn của địa phương, nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm và học thêm, cụ thể như:

Hội thảo thống nhất đánh giá và cho rằng, dạy thêm học thêm với những ý nghĩa tích cực được nghi nhận, đồng thời xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực đang diễn ra làm bức xúc trong xã hội hiện nay, cần có những giải pháp phù hợp hơn. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc dạy thêm học thêm pháp luật không cấm nhưng chúng ta phải phát huy những mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực; đồng thời với việc chính quyền địa phương có những quy định liên quan đến việc dạy thêm, học thêm. Việc tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường thời gian qua cơn bản đã thực hiện tốt, có sự quản lý của hiệu trưởng, các điều kiện về cơ sở vật chất, thời khoá biểu, chương trình, kế hoạch dạy thêm được quản lý chặt chẽ, học phí không cao, được phụ huynh tin tưởng; vậy mô hình này cần được phát huy nhưng chúng ta phải quản lý chặt chẽ và thường xuyên hơn.

Có nhiều ý kiến cho rằng không dạy thêm đối với học sinh tiểu học mà chỉ khuyến khích dạy bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục, thể thao, rèn luyện kỹ năng sống (theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục Đào tạo). Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng thời gian qua tình trạng dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học vẫn còn xảy ra mà cái chính là do công tác quản lý còn lỏng lẻo từ chính quyền cơ sở cũng như ngành giáo dục - đào tạo và các cơ sở giáo dục có giáo viên tham gia dạy thêm. Như vậy chỗ này, Thông tư của bộ đã nêu rõ, vấn đề là công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng chưa tốt.

Nên tổ chức dạy thêm ở các điểm trường ngoài giờ học chính hoặc các trung tâm có đăng ký đủ điều kiện về cơ sở vật chất và các điều kiện về chuyên môn. Nếu tổ chức dạy thêm cần tổ chức hợp lý, đan xen và cân bằng với chương trình học ở trường; đồng thời có thể nâng cao trình độ phù hợp với từng đối tượng. Hình thức dạy thêm này đồng nghĩa với việc ngành giáo dục, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ việc cấp phép cho các giáo viên tổ chức dạy thêm ở nhà, nhất là những nơi không đảm bảo các điều kiện theo qui định.

Việc dạy thêm nên khẳng định theo các nguyên tắc cơ bản như: thứ nhất là, giáo viên được quyền dạy thêm; thứ hai là, giáo viên không được o ép học trò phải học thêm khi không có nhu cầu, không phân biệt đối xử giữa học sinh có học thêm và không học thêm; thứ ba là, thời gian dạy thêm học thêm không quá 1/3 tổng thời gian môn học, chỉ dạy nâng cao những kiến thức ngoài thời gian chính khoá, không phải dạy trước chương trình; thứ tư là, đối với giáo viên dạy thêm cần hệ thống công thức, kiến thức đã dạy, giải những bài tập nâng cao, nêu những kinh nghiệm, những kỹ năng của môn học...

Nhà trường cần làm tốt hơn việc phân loại từng khối, giỏi, khá, trung bình, yếu để dạy theo trình độ của học sinh, không nên gom chung để dạy làm cho học sinh giỏi nhàm chán, học sinh yếu không theo kịp; giáo viên chủ nhiệm lớp cần nắm chắc năng lực, học lực của từng học sinh để có thông tin đến phụ huynh những trường hợp cần thiết phải học thêm (tập trung bồi dưỡng phụ đạo học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học nhất là học sinh đầu cấp, cuối cấp; tránh tình trạng học thêm tràn lan, chạy theo phong trào). Tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, giới thiệu các địa chỉ học trực tuyến, các phần mềm hỗ trợ có thể truy cập tham khảo kiến thức đối với học sinh có điều kiện.

Với trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo, cần xem xét đến chất lượng của đội ngũ giáo viên ở các cấp học, bởi vì việc dạy thêm học thêm cũng có nguyên nhân xuất phát từ chất lượng giáo viên không đồng đều, làm cho học sinh và phụ huynh thiếu tin tưởng và buộc phải học thêm, chứ không đơn thuần là khuyến khích bổ trợ kiến thức với những học sinh yếu, kém, trung bình, bồi dưỡng học sinh giỏi…

Tiếp tục kiến ghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu giảm tải nội dung chương trình ở các bậc học, sắp xếp lại môn học, số tiết giảng dạy phù hợp với từng bậc học, cấp học. Nếu xét về lâu dài, phần nào đó việc dạy thêm học thêm chỉ có giá trị trong giai đoạn nền giáo dục chúng ta còn nhiều bất cập. Trong khi đó, đồng lương của giáo viên còn thấp, việc cải cách chế độ tiền lương cho nhà giáo, để lực lượng này yên tâm và hết lòng hết sức chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp trồng người, đây là nhiệm vụ cần phải tham mưu đề xuất quyết liệt hơn trong thời gian tới, không chỉ riêng ngành giáo dục.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nhà giáo, người thầy giáo vừa phải có tâm, có tầm, phải nhiệt huyết đem hết năng lực và trí tuệ để truyền lại cho học trò ngay trên lớp học,… Vì hiện nay, qua phản ánh của dư luận thì vẫn còn một số ít giáo viên suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, bởi vì khi cho học sinh học ở nhà giáo viên thì dạy nhiệt tình hơn, kỹ hơn, trong lớp được quan tâm ưu ái hơn những học sinh không học thêm. Đây chẳng khác nào buộc học sinh phải học thêm và các bậc phụ huynh đều biết nhưng đành phải chấp nhận.

Tóm lại, quan điểm đúng đắn, kịp thời của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tức là chúng ta phải đổi mới từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế chính sách và điều kiện đảm bảo thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản của Nhà nước đến hoạt động quản lý ở các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội cũng như bản thân của người học. Đây là những yếu tố rất quan trọng để hình thành được năng lực, phẩm chất của người học, hay nói cách khác là chuyển biến từ năng lực kiến thức sang năng lực thực tiễn; đồng thời phải đánh giá cả quá trình, đánh giá sự tiến bộ qua học tập chứ không đơn thuần qua thi cử và kết quả. Và chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ từ việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành mà trong đó nòng cốt là ngành giáo dục - đào tạo và các cơ sở giáo dục - đào tạo.                      

Nguyễn Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập645
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm617
  • Hôm nay51,815
  • Tháng hiện tại1,184,462
  • Tổng lượt truy cập34,770,107
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây