Luật Căn cước được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 27/11/2023. Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; Quản lý căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan... Luật Căn cước mới đã mở rộng hơn đối tượng áp dụng. Theo đó, Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của công dân; bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân vào thẻ căn cước; giúp giảm giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, thông qua ngày 20/6/2023 tại kỳ thứ 5. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 7 chương, 80 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thông qua hội nghị, nhằm triển khai kịp thời nội dung các văn bản luật đã được Quốc hội thông qua, sớm đưa nội dung các văn bản luật vào cuộc sống và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả khi có hiệu lực thi hành./.