Để đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33-NQ/TW) vào cuộc sống, Huyện ủy đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo cho phù hợp, kịp thời đề ra kế hoạch, chương trình, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu phát triển văn hóa, con người cho phù hợp, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho từng năm gắn chặt với lãnh đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị liên quan lĩnh vực văn hóa, đạo đức, lối sống, gia đình, giáo dục lý tưởng cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát triển sự nghiệp giáo dục, thể dục - thể thao, xây dựng đội ngũ trí thức. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tổ chức thực hiện với sự nỗ lực, quyết tâm cao, bám sát tư tưởng chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Đa dạng hóa hình thức quán triệt, tuyên truyền, thực hiện nghị quyết, từ trực tiếp đến sử dụng các kênh thông tin như trang thông tin điện tử, nhóm zalo, facebook, tổ chức học tập cho cán bộ, đảng viên đạt 98,04%; tuyên truyền sâu rộng cho hơn 21.000 lượt đoàn viên, hội viên, chức sắc tôn giáo.
Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch cụ thể hóa thành nhiều chỉ tiêu phát triển văn hóa, con người gắn với thực hiện phong trào, đề án văn hóa, xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị văn hóa, quy tắc ứng xử cộng đồng thể hiện sinh động qua thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã - thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, lĩnh vực văn hóa đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tác động tích cực đến toàn xã hội, nhất là đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần to lớn vào cổ vũ các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2023. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa”, các thiết chế văn hóa được hoàn thiện theo tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, đầu tư xây mới, nâng cấp trung tâm văn hóa - thể thao; cơ bản hình thành hệ thống nhà văn hóa từ huyện đến xã đạt chuẩn, hiện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh, 22 nhà văn hóa xã, 101 nhà văn hóa ấp.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh có sức lan tỏa nhanh, trọng tâm là xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình từng bước được hình thành. Hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Toàn huyện có 43 câu lạc bộ sở thích (17 hoa kiểng, 10 hát với nhau, 12 đờn ca tài tử, 4 câu lạc bộ thơ) đã tổ chức 3.129 buổi, phục vụ trên 115.000 lượt người đến sinh hoạt, vui chơi; 24 đội văn nghệ quần chúng tổ chức sinh hoạt, giao lưu 750 buổi, thu hút khoảng 22.000 lượt người; 22 đội Lân phục vụ các ngày lễ tết. Mỗi năm tết đến xuân về, Hội báo Xuân huyện thu hút 69.000 lượt người đến tham quan, tổ chức nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ 70.860 lượt người xem. Thư viện huyện, phòng đọc cơ sở cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc sách báo của người dân.
Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương được quan tâm thực hiện. Nhà truyền thống, ban quản lý di tích đã lưu giữ, sưu tầm các hiện vật, thường xuyên mở cửa phục vụ người dân đến tìm hiểu truyền thống văn hóa, lịch sử. Quan tâm sửa chữa, chỉnh trang di tích, nhà bia ghi danh liệt sĩ phục vụ nhân dân đến phúng viếng, tưởng niệm, nhất là nhân dịp các ngày lễ lớn. Hiện có 35 di tích được xếp hạng, trong đó 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 03 di tích quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh, thu hút hơn 50.000 lượt khách đến nghiên cứu, tham quan. Có 100% xã văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị; 154 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, 133/133 ấp, khu phố, 140 cơ sở thờ tự, 170 con đường, 08 chợ văn hóa. Việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, bình đẳng, thật sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, giá trị truyền thống tốt đẹp, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người được các cấp, các ngành địa phương quan tâm thực hiện đi vào nề nếp, hiện toàn huyện có 94,95% gia đình văn hóa.
Những kết quả phát triển văn hóa nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng con người Châu Thành phát triển toàn diện để mỗi người hoàn thiện nhân cách, tâm hồn, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương, ý thức tự lực, tự cường, ý chí thoát nghèo, lao động cần cù, sáng tạo, giữ gìn nếp nhà, phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Bên cạnh đó,vẫn còn những hạn chế, rất cần nhanh chóng khắc phục. Một số cấp ủy chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện, hiệu quả quản lý chưa cao, còn giao khoán cho ngành chuyên môn; thiết chế chưa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao; ngân sách đầu tư còn thấp; chất lượng xây dựng đời sống văn hóa có nơi chưa cao, chưa tạo mô hình, điểm sáng để nhân ra diện rộng; hiện tượng mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội vẫn còn, trộm cắp, vi phạm pháp luật giao thông gia tăng; văn hóa ứng xử xã hội, ứng xử môi trường và văn hóa kinh doanh có nơi còn kém; một bộ phận người dân, nhất là không ít thanh niên nhận thức lệch lạc, chạy theo vật chất đơn thuần, lãng quên giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, phai nhạt các giá trị cốt lõi gia đình truyền thống, xem thường giá trị tình yêu, lòng thủy chung - nền tảng của hôn nhân; tỷ lệ ly hôn còn cao; việc xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị tuy đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn có cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không gương mẫu trước nhân dân, thậm chí vi phạm buộc phải xử lý kỷ luật.
Để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng hình ảnh con người Châu Thành phát triển toàn diện hơn, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa nội dung, tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW và các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh đi đôi với phòng, chống lối sống vô văn hóa, sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa đảm bảo nhu cầu văn hóa thiết yếu của người dân.
Chú trọng phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo, sự tham gia tích cực của người dân. Quan tâm đào tạo chuyên môn, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa. Tiếp tục xây dựng văn hóa trong Đảng, hệ thống chính trị, quy định xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có văn hóa ứng xử, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, nêu gương, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.