Gò Lũy rộng khoảng 50 ha, tọa lạc tại xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, là gò đất có đồn lũy của quân Đông Sơn. Đạo quân này do Đỗ Thanh Nhơn lập ra nhằm ủng hộ Nguyễn Phúc Ánh trong việc tranh chấp với quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc, Nguyện Huệ và Nguyễn Lữ chỉ huy.
Năm 1781, do Đỗ Thanh Nhơn ngày càng lộng quyền, Nguyễn Phúc Ánh đã ra lệnh giết chết viên tướng này. Do đó, quân Đông Sơn rút vào Gò Lũy xây đồn đắp lũy, vừa chống Nguyễn Phúc Ánh, vừa chống quân Tây Sơn. Sau đó, Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải chạy trốn ở nhiều nơi. Đồng thời, quân Tây Sơn cũng truy đánh quân Đông Sơn. Sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1/1785), tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm do Nguyễn Phúc Ánh rước về, quân Tây Sơn do đô đốc Trấn chỉ huy tiến đánh vào Gò Lũy khiến quân Đông Sơn rút vào vùng Bà Bèo và bọn phiến quân này tan rã dần.
Gò Lũy gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Ba Giồng dưới sự lãnh đạo của Thiên hộ Võ Duy Dương. Tháng 5/1861, từ Huế, ông trở lại Ba Giồng chỉ huy cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tại đây, ông đã chiêu mộ hơn 1.000 quân nghĩa dũng, nên được triều đình phong chức Quản cơ vào tháng 9/1861, cùng lúc với Trương Định ở Gò Công.
Nhận thấy Ba Giồng là nơi đông dân, nhiều của, là cửa ngõ đi vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhân dân ở vùng này rất quyết tâm chống giặc, nên ông đã xây dựng nơi đây thành một trung tâm kháng chiến mạnh mẽ, tồn tại song song với trung tâm kháng chiến Tân Hòa (Gò Công) của Trương Định. Theo đó, ông cho xây dựng đồn lũy với một số vị trí xung yếu, trong đó có Gò Lũy ở thôn Nhị Bình thuộc tổng Hưng Nhơn, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường (nay là xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Từ các căn cứ trên đất Ba Giồng, trong đó có căn cứ Gò Lũy, dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân Ba Giồng đã tiến hành những trận đánh dũng mãnh và thu được những thắng lợi vang dội, điển hình là trận tấn công đồn Bourdais (4/9/1861), trận Cái Thia (14/10/1861), trận Cai Lậy (15/10/1861), trận Kỳ Hôn (22/10/1861), trận Rạch Gầm (tháng 11/1861),…
Bên cạnh đó, nghĩa quân còn đẩy mạnh công tác diệt ác trừ gian, như ngày 17/10/1861, nghĩa quân đột nhập vào đồn Cai Lậy, diệt 1 tên đội; trong các ngày 22, 23, 24/11/1861, nghĩa quân len lõi vào vùng địch tạm chiếm, diệt các tên thôn trưởng của các thôn Mỹ Quý, Trung Lương, Tân Lý Tây,…
Trước tình hình đó, thực dân Pháp tập trung lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa. Để bảo toàn lực lượng, cuối năm 1864, ông rút quân vào Đồng Tháp Mười, xây dựng căn cứ mới, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta (1954-1975), địch đã xây dựng Gò Lũy thành tiền đồn thuộc Yếu khu Long Định (nay là xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Tại đây, địch đóng 5 đồn (1 đồn cấp đại đội, 4 đồn cấp trung đội). Sau Hiệp định Paris (27/01/1973), Tỉnh đội Mỹ Tho điều đại đội đặc công về đứng chân ở Gò Lũy với nhiệm vụ bao vây, cô lập các đồn của địch và chống địch hành quân lấn chiếm. Qua hơn một năm hoạt động, đại đội đặc công của ta gần như làm chủ khu vực Gò Lũy, xây dựng ấp, xã chiến đấu; còn địch thì co cụm trong các đồn bót của bọn chúng. Trong mùa khô năm 1974, ta đã mở chiến dịch “Mở mảng Gò Lũy”. Theo quyển Địa chí Tiền Giang (tập 2), đầu năm 1974, tại khu vực Gò Lũy, ngoài các đồn đã có từ trước, địch bố trí tiểu đoàn địa phương quân 513 đóng quân gần đồn Ba Ông Bí và đồn Xóm Kiệu, có cụm pháo 2 khẩu 105 mm; đồng thời, có 2 tiểu đoàn địa phương quân 402, 427 và chi đoàn 3 thuộc chiến đoàn 6 thiết giáp Tiểu khu Định Tường sẵn sàng cơ động nhanh, chi viện khi cần thiết.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Mỹ Tho, Ban Chỉ huy Tỉnh đội đề ra kế hoạch đánh địch mở lõm trước mùa khô ở các huyện trong tỉnh, trong đó, trọng điểm là khu vực Gò Lũy, nhằm tạo thế đứng, mở rộng vùng giải phóng và đường hành lang nối dài từ Lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) đến phía tây thị xã Mỹ Tho, tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt hoạt động kế tiếp, hoàn thành nhiệm vụ trong mùa khô 1974.
Lực lượng tham chiến của ta trong đợt mở mảng này gồm hai tiểu đoàn 514C và 2009B, hai đại đội trợ chiến tỉnh Mỹ Tho và lực lượng du kích xã Nhị Bình.
Cuộc mở mảng gồm 2 đợt:
Đợt 1 từ ngày 14 đến ngày 19/4/1974, hai tiểu đoàn chủ công của ta kết hợp với lực lượng địa phương tổ chức vây lấn, bắn tỉa làm cho địch hoang mang, bỏ chạy khỏi đồn Cây Đa và đồn Xóm Mô. Chiều 15/4/1974, trước nguy cơ bị mất khu vực Gò Lũy, địch điều tiểu đoàn 402 có xe thiết giáp M 113 và pháo binh yểm trợ tiến vào giải tỏa. Tuy nhiên, bọn này bị tiểu đoàn 514C của ta chận đánh quyết liệt, bị thiệt hại nặng nên phải rút quân ra ngoài khu vực Gò Lũy. Kết thúc đợt 1, ta tiêu diệt hai đồn Cây Đa và Xóm Mô, mở rộng vùng giải phóng, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 402 của địch. Bị thua đau, địch cho lập thêm một đồn mới có công sự chiến đấu, hầm chỉ huy, bố trí 7 vòng rào, vật cản; đồng thời, cho củng cố lại hai đồn Ba Ông Bí và Xóm Kiệu với ý đồ giữ bằng được địa bàn trọng yếu này.
Đợt 2 từ ngày 20 đến ngày 24/4/1974, đêm 20/4, sau khi được tăng cường, bổ sung lực lượng và hỏa lực, tiểu đoàn 2009B của ta tấn công hai đồn Ông Bí và Xóm Kiệu với phương châm vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt. Trước tình hình đó, địch cho hai tiểu đoàn 402 và 427 địa phương quân vào ứng cứu; nhưng bị tiểu đoàn 514 C của ta chận đánh, gây cho chúng nhiều thiệt hại (chết và bị thương gần 50 tên), nên buộc phải rút quân. Nhân cơ hội đó, toàn bộ lực lượng của ta đồng loạt tấn công, tiêu diệt hai đồn Ông Bí và Xóm Kiệu.
Qua hai đợt cao điểm của tháng 4/1974, ta đã tiêu diệt và bức rút 1 đồn cấp đại đội, 3 đồn cấp trung đội, loại khỏi vòng chiến đấu 140 tên địch, bắn cháy và làm hư 3 xe ủi đất, 3 xe thiết giáp M 113, thu 4 máy thông tin PRC25, 2 súng phóng lựu M 79, 2 đại liên, 1 súng cối 60 mm và 20 súng tiểu liên M 16. Đợt mở mảng Gò Lũy đã tạo nên thế trận mới, mở rộng vùng giải phóng huyện Châu Thành Bắc, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh hoạt động quân sự của quân dân toàn tỉnh, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện hòa bình và thống nhất Tổ quốc.