Sự hội tụ của ba thế hệ thơ ở Tiền Giang

Thứ sáu - 02/03/2018 10:33
Tiền Giang vùng đất giàu truyền thống văn học nghệ thuật, với sự phát triển phong phú của nhiều thể loại, trong đó có thơ ca. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, văn học cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng chuyển mình trong tư thế tìm kiếm những phương thức thể hiện tốt nhất để kịp phản ánh đời sống xã hội đa dạng trước yêu cầu mới của thời đại. Trong sự giao lưu, hòa nhập với thi ca đất nước, thơ ca Tiền Giang đã từng bước khẳng định được vị thế, chất lượng các tác phẩm của các tác giả vùng đất miệt vườn Nam bộ.
Những tác giả đoạt giải cuộc thi Thơ Trẻ Tiền Giang lần thứ III
Những tác giả đoạt giải cuộc thi Thơ Trẻ Tiền Giang lần thứ III

Đọc “Tuyển tập thơ Tiền Giang 1975-2015” do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành và các tập thơ xuất bản gần đây, có thể thấy điều đáng ghi nhận ở thơ Tiền Giang giai đoạn hiện nay đó là sự phong phú về đề tài, và sự đa dạng về phong cách. Các nhà thơ Tiền Giang luôn bám sát những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước, phản ánh nhiều đề tài khác nhau: về cuộc sống đời thường, về tình yêu quê hương, gia đình, tình yêu lứa đôi, cái tôi cá nhân và những cung bậc tình cảm của con người… Đặc biệt, những địa danh lịch sử, văn hóa và con người vùng đất Tiền Giang cũng đã trở thành một đề tài phổ biến, thành nguồn cảm hứng dạt dào và thôi thúc sự sáng tạo của các nhà thơ, tạo nên nét khu biệt cho thơ ca tỉnh nhà.

Có thể nói, về phương diện nội dung, thơ Tiền Giang giai đoạn hiện nay khá phong phú. Các nhà thơ vừa phản ánh được trong thơ của mình những tâm tư, tình cảm chung của con người hiện đại với những đấu tranh phức tạp, gay go, những bộn bề cuộc sống đầy sự giằng xé về nội tâm… nhưng lại vừa mang những nỗi niềm riêng của tâm hồn, tính cách con người Nam bộ. Thơ Tiền Giang những năm qua, nhìn chung đã thể hiện một cái nhìn mới mẻ, đa diện về hiện thực đời sống và nội tâm con người. Các nhà thơ có ý thức thể nghiệm trên nhiều thể loại từ thơ bốn chữ, thơ ngũ ngôn, thơ lục bát… cho đến thơ tự do, thơ văn xuôi… cũng như có sự đổi mới, cách tân trong tư duy thơ, hình ảnh thơ.


Nhà thơ Trần Đỗ Liêm ký tặng thơ cho độc giả

Điều dễ dàng nhận ra đó là sự hội tụ của ba thế hệ nhà thơ ở Tiền Giang: Thế hệ những nhà thơ đã khẳng định tên tuổi; thế hệ của những nhà thơ không còn trẻ nhưng cũng chưa gọi là già, đã và đang được độc giả trên văn đàn biết đến; và thế hệ của những tác giả trẻ với tài năng cùng những tìm tòi đổi mới. Ba thế hệ thơ như ba dòng chảy khác nhau nhưng lại hòa quyện vào nhau tạo nên đời sống hết sức sinh động và phong phú cho thơ ca Tiền Giang những năm qua.

Điểm danh đội ngũ sáng tác thơ ở Tiền Giang từ sau năm 2000 cho đến nay, có thể kể đến các nhà thơ tiêu biểu như: Lê Ái Siêm, Trần Công Tùng, Trần Đỗ Liêm, Võ Tấn Cường, Phạm Chí, Trần Thị Ngọc Hồng, Lá Me, Nguyễn Thị Ngọc Tiếp… Lớp tác giả trưởng thành sau những năm đất nước đổi mới có: Vũ Tuấn, Nguyên Chương, Nguyễn Thanh Hải, Ngọc Lệ, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Quốc Vũ, Nguyễn Thị Chí Mỹ… Và đặc biệt là lực lượng những cây bút thơ trẻ ít nhiều đã toát lên được sắc thái trẻ trung và sự tìm tòi, thể nghiệm đầy sung sức như: Hoàng Song Quỳnh, Nguyễn Công Bằng, Giang Tử Minh, Nguyễn Hoàng Tố Trinh, Nguyễn Như Cẩm Thu, Trần Thương Nhiều…

Bên cạnh sự sáng tạo bền bỉ của các tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, điều đáng mừng là thơ ca đã thu hút đông đảo công chúng đến với thơ, góp phần hình thành nên các câu lạc bộ thơ ở địa phương, đưa thơ ca trở nên gần gũi với đời sống cùng với sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ. Hiện nay ở Tiền Giang đang có khá nhiều Câu lạc bộ (CLB) thơ hoạt động như: CLB thơ Thủ Khoa Huân, CLB Thơ Trúc, CLB Thơ Hương Đất Giồng, CLB thơ huyện Châu Thành, CLB thơ Trúc Viên, CLB thơ Rạch Gầm, CLB thơ Hưng Bình, CLB thơ xã Đạo Thạnh, CLB thơ Hưng Sáng…


Một buổi giao lưu thơ ca của CLB thơ Thủ Khoa Huân

Từ hoạt động của các CLB, thơ của nhiều tác giả, đặc biệt là những tác giả cao niên đã được xuất bản, biểu diễn, quảng bá thơ của mình để nhiều người cùng thưởng thức, bình luận... Mặc dù sáng tác của những cây bút không chuyên này vẫn còn nhiều hạn chế nhưng hầu hết họ đều có một tâm hồn thơ dào dạt, một tình quê hương nồng đượm, thiết tha mãnh liệt… rất đáng trân quý.

Có thể thấy thơ Tiền Giang giai đoạn từ sau năm 2000 đến nay với động ngũ khá đông đảo đã thể hiện được muôn mặt cảm xúc của cuộc sống đời thường, cái tôi cá nhân trong thơ của nhiều cây bút được thể hiện ngày một đa diện và sâu sắc. Điều vui mừng là thơ của nhiều tác giả Tiền Giang hiện nay đã mạnh mẽ thoát ra khỏi khuôn sáo ước lệ và của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới, đặt những viên gạch đầu tiên cho việc cách tân thơ. Hòa vào dòng chảy của thi ca Việt Nam, nhiều nhà thơ Tiền Giang đã có những nỗ lực, tìm tòi, trên cơ sở cái cảm truyền thống để đổi mới thi pháp, từng bước gặt hái được những thành công, được công chúng yêu thơ đón nhận, yêu mến.

Bùi Trần Lê Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập291
  • Máy chủ tìm kiếm70
  • Khách viếng thăm221
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,668,699
  • Tổng lượt truy cập40,038,075
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây