Phát huy thành quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII

Thứ hai - 05/08/2013 20:59
Sau khi tiếp thu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động 08-CTr/TU ngày 23/10/1998 để triển khai thực hiện. Theo đó, các cấp ủy, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn và các ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể; tổ chức triển khai, học tập, quán triệt trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tuyên truyền phổ biến rộng ra quần chúng nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Qua 15 năm thực hiện, các nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã từng bước thấm sâu vào đời sống xã hội và tạo ra những chuyển biến rất sâu sắc; trong đó, có sự thống nhất về tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Điều đó, thể hiện rõ qua sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa và qua kết quả lãnh đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

Đó cũng là bằng chứng cho thấy sự đúng đắn của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và hành động thực tiễn của cấp ủy, chính quyền, của các ngành, đoàn thể các cấp mà còn làm cho các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội thống nhất mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới. Từ đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương và các chương trình hành động của cấp ủy địa phương đã dấy lên được phong trào thi đua rộng khắp, khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, phát huy sức mạnh nội lực từ các cộng đồng dân cư nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận có liên quan cũng còn một số mặt hạn chế, yếu kém. Đó là:

- Một số cấp ủy, chính quyền; một số ban, ngành, đoàn thể địa phương nhận thức chưa sâu sắc, toàn diện về vị trí, vai trò của văn hóa; mối quan hệ giữa các hoạt động văn hoá tại cơ sở với bản sắc văn hoá dân tộc nên việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng và phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần xã hội còn lúng túng, thiếu chặt chẽ và thiếu sự đồng bộ.

- Hành lang pháp lý cho hoạt động văn hóa còn nhiều vướng mắc nên việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào việc xây dựng và phát triển văn hóa còn hạn chế. Chế độ, chính sách cho hoạt động văn hóa chậm đổi mới nên chưa phát huy cao được tiềm năng sáng tạo của nhân dân.

- Môi trường văn hóa bị các tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập chưa được kiểm soát chặt chẽ và chưa có biện pháp kiềm chế hữu hiệu nên một số cán bộ vi phạm đạo đức, lối sống; tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi; khoảng cách giàu - nghèo, sự hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn còn chênh lệch khá lớn. Hoạt động mê tín dị đoan dưới danh nghĩa tâm linh, ngoại cảm đang ngấm ngầm phát triển, tác động mạnh vào đời sống xã hội.

- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là phong trào rộng lớn, là giải pháp căn bản trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), song ở nơi nầy, nơi khác còn chú trọng tính hình thức hơn là hiệu quả nên tác dụng thấp.

Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân nên cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đều phải chung sức, chung lòng thực hiện một cách có hiệu quả hơn trong giai đoạn mới. Do đó, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp cần quan tâm lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra; đồng thời, lưu ý giải quyết tốt một số vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục phố biến, làm lan tỏa trong toàn xã hội tinh thần cốt lõi của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII); nhất là về 5 quan điểm, 10 nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện. Phải khẳng định đây là vấn đề mang tầm chiến lược của Đảng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thực hiện phải quán triệt quan điểm kết hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi đảng viên cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tại địa phương, đơn vị mình gắn với tự phê bình và phê bình về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Thứ hai, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng; đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tâm linh. Lấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” làm chủ công; tập trung xây dựng và nâng chất gia đình văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính; góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh thực chất là chăm lo phát triển con người, xây dựng môi trường sống cho con người, góp phần tạo ra môi trường chính trị - xã hội ổn định, an toàn và bền vững trên cơ sở đời sống kinh tế được đảm bảo.

Thứ ba, quan tâm đầu tư cho văn hoá phát triển tương xứng với tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương; trong đó, phải chú ý đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thiết yếu như: sân vận động, nhà văn hoá trung tâm tỉnh và các trung tâm văn hoá cấp huyện… Gắn cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá với xây dựng nông thôn mới; lấy xây dựng đời sống văn hoá làm nền tảng để xây dựng nông thôn mới.

Để xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, hàng năm phải có kế hoạch tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa; kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân cư, văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của thế giới trong thời kỳ hội nhập để văn hóa thực sự là nền tảng của xã hội.

Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội đối với các biểu hiện lệch lạc về mặt văn hoá, nhất là trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội. Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII), trong đó ngành văn hoá phải đóng vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện, tiếp tục đưa cuộc vận động, các phong trào xây dựng văn hoá lên bước phát triển mới nhằm phát huy cao nhất, tốt nhất các nguồn lực, năng lực, tinh thần trách nhiệm của mọi người.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cấp. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng cán bộ văn hóa thông tin cơ sở, ban chủ nhiệm các ấp - khu phố, tăng cường công tác kiểm tra công nhận và tái công nhận các danh hiệu văn hóa để phát triển phong trào cả về số lượng và chất lượng. Cần có kế hoạch thực hiện những bước đi cụ thể để xây dựng thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công đạt chuẩn văn minh đô thị vào năm 2015.

Thứ năm, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thông tin đại chúng, tăng cường giáo dục, giới thiệu biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đồng thời, mạnh dạn phê phán những hành vi sai trái, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với hình ảnh con người và xã hội Việt Nam luôn luôn tốt đẹp. Hoạt động văn học, nghệ thuật phải phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới, cổ vũ khẳng định cái đúng, cái đẹp, lên án cái sai, cái ác; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí, văn hóa, văn học, nghệ thuật, giáo dục - đào tạo vững vàng về chính trị, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần khẳng định việc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là hướng đi đúng đắn mà Đảng ta đã lựa chọn để khẳng định vị thế của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và nhân dân trong tỉnh cần phải nỗ lực thực hiện thật tốt để đạt được kết quả cao nhất trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Danh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập343
  • Máy chủ tìm kiếm80
  • Khách viếng thăm263
  • Hôm nay36,313
  • Tháng hiện tại793,728
  • Tổng lượt truy cập39,163,104
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây