Đọc “Cây sơ ri ly hương” thêm những chiêm nghiệm về cuộc sống

Thứ sáu - 29/11/2013 03:03
Cầm trên tay quyển “Cây sơ ri ly hương” của tác giả Nguyễn Kim do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành với hình ảnh những trái sơ ri chín mọng khiến tôi liên tưởng ngay đến vùng đất Gò Công nơi tác giả đang sinh sống. 

Hẳn không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Kim lại chọn cây sơ ri để đặt tên cho tập sách đầu tay của mình bởi cũng như ông Bảy trong truyện “Cây sơ ri ly hương”, nó đã trở thành hình ảnh gợi nhớ quê hương xứ sở nên khi xa quê, ông Bảy đã đưa cây sơ ri đến trồng ở vùng đất mới, cho đến lúc ông ngã quỵ ngoài vườn thì cây mới chịu “ra hoa kết quả bằng sức sống mạnh mẽ tiềm tàng từ quê mẹ, đất biển mặn mòi”. Và hình ảnh cây sơ ri cũng xuất hiện trong nhiều truyện ngắn khác trong tập như “Cha và con”, “Tình già” v.v... trở thành bối cảnh cho nhiều câu chuyện về cuộc sống cơ cực của những người dân quê lam lũ một nắng hai sương, đậm đà tình làng nghĩa xóm.

Đọc “Cây sơ ri ly hương” cho ta cảm giác những gì tác giả viết đều hết sức gần gũi và rất chân thật, có vẻ như tác giả đã lấy cảm hứng từng những nhân vật có thật ngoài đời và những câu chuyện đời thường mà tác giả đã mắt thấy tai nghe. Cũng chính vì thế mà diễn tiến của những câu chuyện trong tập đều có vẻ quen thuộc và tác giả như vừa đang ngồi nhâm nhi bên tách trà vừa từ tốn kể chuyện. Nhờ đó mà truyện của Nguyễn Kim dễ đi vào lòng người, không có sự khiên cưỡng và bàn tay sắp đặt thô bạo của tác giả mà thỉnh thoảng vẫn thấy ở một số tập truyện khác.

Bạn đọc sẽ nhận ra xuyên suốt trong tập truyện có hai thế giới đối lập: Thế giới của những người già sống bằng ký ức và thế giới của những người trẻ đang miệt mài vật lộn với cuộc mưu sinh. Thế giới của những người cha, người mẹ quê quanh năm lam lũ, chịu thương chịu khó và thế giới của những thanh niên trẻ rời quê tìm cuộc sống mới nơi phố thị. Đan xen giữa hai thế giới đó là những lát cắt thời gian giữa quá khứ và hiện tại; giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt và những đổi thay trước đời sống kinh tế thị trường. Các truyện ngắn “Cha và con”, “Tình già”, “Cái nón nỉ cũ”, “Con gần - con xa”, “Bà mẹ quê”, “Cây sơ ri ly hương”… đều nằm trong mạch cảm xúc này. Và bằng việc vẽ lên những bức tranh với gam màu đối lập, tác giả đã khắc họa những mảnh đời, những hoàn cảnh éo le đầy thương cảm. Đó là hình ảnh của một ông lão nông dân nghèo lên thành phố thăm con, mặc dù túi ít tiền nhưng lại giàu lòng nhân ái và nghĩa khí khi nhận trả giùm tiền cháo cho hai đứa bé bán vé số, cuối cùng không đủ tiền ông phải thế lại chiếc nón nỉ cho bà chủ quán vừa hám tiền vừa chanh chua. Đó là hình ảnh của bà mẹ quê, suốt đời hy sinh cho con rồi phải chịu cảnh cô độc, ngày bà trăm tuổi không có lấy một người thân thích. Đó còn là mối tình già trong như đã nhưng mặt ngoài còn e của ông Ba và bà Sáu hay như cậu Ba vì mê đắm tiếng đàn kìm mà khi tóc đã pha sương quá nữa vẫn khăn gói theo nghiệp hát.

Tôi thấy thú vị với truyện ngắn “Chuột”, bởi đây như một sự phá cách bất ngờ, cho thấy một Nguyễn Kim khác hơn với những gì đã thể hiện trong tập. Với thủ pháp miêu tả từ khái quát đến chi tiết, tác giả đã dẫn dắt người đọc vào bối cảnh của một xóm lao động nghèo và thông qua cuộc đấu tranh sinh tồn của loài chuột số phận của những con người nơi xóm lao động ấy dần được tác giả khắc họa. Nguyễn Kim đã quan sát hết sức kỹ lưỡng và mô tả chi tiết những hoạt động  quậy phá tinh ranh của loài chuột, chính sự dày công ấy đã tạo cho truyện ngắn “Chuột” một sự sống động, cuốn hút mà không phải người cầm bút nào cũng làm được. Điều này tôi cũng tìm thấy ở truyện ngắn “Trận gà cuối năm” và tôi cho rằng phải có được đôi mắt quan sát tinh tường, sắc bén và sự già dặn trong việc nắm bắt chi tiết như Nguyễn Kim thì những trang viết mới trở nên sống động và lôi cuốn như thế.

Phần cuối tập có một mảng bài viết giống bút ký và tạp bút gồm: “Ngọc thực ký ức miền quê”, “Mộc mạc đời tre”, “Diều phố - diều quê”, “Biển gọi”, “Tản mạn xích lô”, “Chuyện đường rừng - cọp thời khẩn hoang”,... Với những bài viết này tôi có cảm giác như được thưởng thức thêm một món ăn mới trên bàn tiệc thịnh soạn. Với vốn sống phong phú và những chiêm nghiệm về cuộc sống, Nguyễn Kim đã mang đến những chia sẻ thật thú vị. Những hình ảnh trong bài viết vốn đã rất thân quen với nhiều người, và một vài thứ trong số ấy hình như đã đi vào tiềm thức giờ lại được tác giả khơi gợi lại như đang xem một cuốn phim tư liệu.

Với “Cây sơ ri ly hương” ít thấy sự bứt phá để tạo sự mới mẻ trong bố cục và cách thể hiện mà chỉ thấy sự già dặn, từng trải, nét thâm trầm và cái tình của tác giả. Phải chăng điều ấy đã tạo nên cái chất riêng của Nguyễn Kim trong tập truyện khiến người đọc phải lắng lòng, phải gác lại cuộc sống hối hả một bên để ngẫm nghĩ sau khi đọc xong tập truyện?

Trương Trọng Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập397
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm375
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,170,807
  • Tổng lượt truy cập34,756,452
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây