Nhà biên kịch Nguyễn Thị Mộng Thu: "Nghề viết đã thay đổi cuộc đời tôi"

Thứ hai - 03/08/2015 03:12
Câu chuyện với chị Nguyễn Thị Mộng Thu được bắt đầu bằng một quá khứ đau buồn: “Tôi chào đời với một cơ thể bình thường, nguyên vẹn. Má tôi kể, mới 7 - 8 tháng tôi đã có thể vịn song cửa sổ để leo trèo. Nhưng khi bước sang tháng thứ 9, cơn sốt bại liệt quái ác đổ ập đến. Với trình độ y học lúc đó, căn bệnh đã để lại di chứng hết sức nặng nề và nó đã lấy đi của ba má, của gia đình tôi không biết bao nhiêu là nước mắt…”.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Mộng Thu
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Mộng Thu

Chị lớn lên với cánh tay phải gần như không làm được gì và đôi chân rất yếu ớt, chỉ một cái vấp chân, một va quẹt nhẹ là chị đã té nhào. Tháng ngày tuổi thơ của chị gắn liền với những cơn đau thể xác và rất nhiều mặc cảm, xót xa. Và mặc dù việc đi lại hết sức khó khăn, nhưng điều đó vẫn không ngăn được ý chí của cô bé ham học hỏi.

Chị ý thức được rằng, với cơ thể khiếm khuyết của mình thì chỉ có con đường duy nhất để vươn lên, đó là học vấn, là tri thức. Vì thế, mặc dù với những bước chân yếu ớt, nhưng chị đã xuất sắc đi hết những năm học phổ thông với thành tích học tập luôn đạt khá, giỏi. Năm 1985, chị còn được tuyển chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn của tỉnh để tham dự kỳ thi cấp toàn quốc.

Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Trường Văn hóa Thủ Đức, chị xin việc làm ở nhiều nơi nhưng không ai nhận, có lẽ vì ai cũng cảm thấy ái ngại trước dáng đi xiêu vẹo của chị. May thay sau đó, qua sự giới thiệu của người quen, chị được vào làm ở Trường Xây dựng cuộc sống mới của tỉnh.

2 năm sau chị lập gia đình rồi sinh con. Chồng đi làm xa, cuộc sống càng khó khăn khi có thêm con nhỏ, chị phải xin nghỉ việc để ở nhà vừa chăm sóc con, vừa học thêm nghề may vá ở gần nhà. Lúc con được 18 tháng, chị phải gởi con cho ngoại để lên thành phố may gia công kiếm tiền nuôi con.

Sau 2 năm vất vả với nghề may, chị may mắn được nhận về công tác ở thư viện Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công, đúng với chuyên ngành mà chị được đào tạo ở Trường Văn hóa Thủ Đức. Với tính cẩn thận, tỉ mỉ và luôn tận tụy trong công việc, chị đã góp phần đưa thư viện nhà trường nhiều năm liền đạt danh hiệu “Thư viện trường học tiên tiến, xuất sắc”, bản thân chị nhiều lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng Bằng khen…

6 năm sau ngày cưới, hạnh phúc đổ vỡ, từ đó chị phải một mình nuôi con. Với đồng lương ít ỏi của một nhân viên thư viện, để nuôi sống bản thân và đứa con nhỏ không phải là chuyện dễ dàng. Ngoài nghề nghiệp chính, chị phải làm thêm rất nhiều việc khác để có thêm thu nhập, trong đó có công việc viết lách như một cách mưu sinh và cũng là một cơ duyên.

Nhờ có chút năng khiếu (từ nhỏ chị đã làm thơ, viết truyện gởi báo), giờ đây năng khiếu đó đã giúp được phần nào cho cuộc sống của chị. Bên cạnh việc nhận đánh máy thuê, chị làm thơ, viết văn gởi cộng tác cho rất nhiều tờ báo. Kể từ đó, những sáng tác của chị thường xuyên được đăng tải trên các báo, tạp chí từ Trung ương đến địa phương và cái tên Nguyễn Thị Mộng Thu đã bắt đầu trở nên quen thuộc với nhiều độc giả.

Năm 1998, chị vinh dự được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Thế là từ đó, ban ngày đi làm, tối về nhà lo cho con ăn ngủ xong, chị lại chong đèn miệt mài bên trang viết. Gia tài của chị đến nay đã có hơn 50 cuốn tiểu thuyết, truyện dài đã được xuất bản cùng với một vài giải thưởng văn chương nho nhỏ như: Giải Ba viết về ngành GD-ĐT, Giải Khuyến khích Thơ Trẻ, Giải Báo chí Nguyễn Đức Cảnh...

Năm 2011, chị mày mò thử sức với công việc viết kịch bản phim truyền hình và gặt hái được thành công hết sức nhanh chóng. Cho đến nay, rất nhiều kịch bản phim của chị được phát sóng trên khắp các đài truyền hình trong nước, tiêu biểu như các phim: Xương rồng trên cát, Giải mã tình anh, Pha lê không dễ vỡ, Chạy trốn tình yêu, Yêu không dễ, Socola hay hoa hồng, Quý bà lắm chiêu... được nhiều khán giả yêu thích, quan tâm theo dõi.

Trong tháng 3-2015 vừa qua, có đến 2 bộ phim mới của chị được phát sóng cùng lúc là: Nợ ân tình và Giông tố cuộc đời. Ngoài ra, có 3 kịch bản của chị đang được bấm máy và nhiều hợp đồng kịch bản đã được ký. Điều này đã tạo nên sức hút cho những bộ phim truyền hình đóng mác “biên kịch Nguyễn Thị Mộng Thu”.

Chị tâm sự: “Gia tài lớn nhất của tôi hiện nay vẫn là đứa con trai…”. Con trai chị năm nay 22 tuổi, hiện là sinh viên năm thứ 4 của Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa. Con hứa với mẹ rằng: “Ngôi nhà đầu tiên con thiết kế sẽ là ngôi nhà dành cho mẹ”. Vì lẽ đó, chị càng cặm cụi hằng đêm sáng tác để nuôi dưỡng ước mơ của con trai mình.

Điều chị luôn tâm niệm và muốn nhắn nhủ với những người cùng cảnh ngộ, đó là: “Đừng mặc cảm, đừng tự ti và đừng bao giờ đầu hàng cuộc sống. Những nỗ lực của chính mình trước sau gì cũng sẽ được đền đáp xứng đáng…”.

Mai Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập353
  • Máy chủ tìm kiếm91
  • Khách viếng thăm262
  • Hôm nay43,703
  • Tháng hiện tại1,979,332
  • Tổng lượt truy cập40,348,708
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây