Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Hộ tịch. Các báo cáo viên đã phân tích làm rõ những quan điểm chỉ đạo xây dựng các bộ luật trên, những nội dung cơ bản nhất là những điểm mới của các Luật.
Việc phổ biến sâu rộng nội dung Luật Bảo hiểm xã hội nhằm giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người sử dụng lao động, toàn thể nhân dân nắm vững, thông suốt, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động và người sử dụng lao động trong việc bảo đảm thực hiện đúng quy trình, quy định việc giải quyết chi trả chế độ bảo hiển xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội khi thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Tăng cường sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể có liên quan trong việc triển khai thực hiện Luật Hộ tịch, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch.
Bảo hiểm xã hội là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, luôn được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và Hiến pháp qua các thời kỳ. Để tổ chức thực hiện chính sách này, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt với sự ra đời của Luật Bảo hiểm xã hội (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006) đánh dấu một bước quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, pháp điển hóa các quy định hiện hành và bổ sung các chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Sau 7 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Xuất phát từ tình hình thực tiễn và để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành; kịp thời thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách bảo hiểm xã hội thì việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là cần thiết và phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được xây dựng trên cơ sở các quan điểm: Tiếp tục thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng và linh hoạt; hoàn thiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo đảm sự bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã đi vào cuộc sống, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia bảo hiểm xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Các chế độ bảo hiểm xã hội tuân thủ theo nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội tùy theo tính chất của từng chế độ, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội. Tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có điều kiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Luật Quốc tịch được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Luật Hộ tịch có 7 chương và 77 điều.
Việc đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Hoạt động này còn là cơ sở để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người; quyền, nghĩa vụ công dân; đồng thời có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.
Ở nước ta, vấn đề đăng ký và quản lý hộ tịch được thực hiện từ rất sớm (thời nhà Trần). Dưới chế độ mới, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch được Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tiếp tục duy trì và phát triển.
Trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục nguyên nhân gây ra những bất cập, hạn chế, nhất là trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác này theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, nên việc ban hành Luật Hộ tịch là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.