Ai cũng biết rằng hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe cho chính mình và cho người khác. Với hơn 7.000 độc chất hóa học (trong đó có hơn 70 chất gây ra ung thư), khói thuốc lá đã gây độc cho cơ thể người hút và cả người hút thuốc thụ động (tức là người không hút nhưng hít phải khói thuốc của người khác), đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, người già và phụ nữ. Những chất độc này đã gây ra những bệnh trên hầu hết các cơ quan của cơ thể như hệ hô hấp, tim mạch, nội tiết, sinh sản, cơ xương khớp, thần kinh…90% số ca bệnh ung thư phổi, 30% trong tổng số ca bệnh ung thư, 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% số ca bệnh tim do thiếu máu cục bộ. Các chất độc trong khói thuốc lá còn gây ra các bệnh lý khác như rụng tóc, đục thủy tinh thể, viêm nướu răng, ung thư miệng, viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, viêm loét dạ dày - tá tràng, bất lực, sinh non, sảy thai, tuyên tắc mạch các chi…
Có thể nói rằng, từ đầu đến chân, không có nơi nào mà không bị ảnh hưởng từ các chất độc hại của khói thuốc lá. Không hiếm các trường hợp, rất nhiều cháu bé cứ vài ngày lại ho hen, sổ mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn… đến nỗi phải đến bệnh viện hoặc đi khám bác sĩ tư nhân. Chúng có biết đâu rằng mình chính là nạn nhân hút thuốc thụ động từ ông, cha, chú hoặc hàng xóm đã vô tình hút thuốc gây ra cho bé mà không ai hay biết. Các cháu bé này chắc chắn sẽ chậm phát triển về thể chất, hay đau yếu và chậm phát triển về tâm thần, không thể học hành, thông minh bằng các bé khác.
Hàng năm, thế giới có 5 triệu người chết vì thuốc lá, với 2/3 trong số đó thuộc các nước đang phát triển. Vào năm 2020, tỷ lệ tử vong do thuốc lá sẽ là 10 triệu, cao hơn do HIV/AIDS, bệnh lao phổi, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới (56%), chủ yếu là độ tuổi 25-54. Do tỷ lệ người hút thuốc rất cao nên số người hút thuốc thụ động (tức người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc) cũng rất lớn. Trên 50% số người không hút phải tiếp xúc với khói thuốc ít nhất 30 phút/ngày. Mỗi năm thuốc lá gây tử vong 40.000 người và ước tính con số ngày sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030 tại nước ta.
Khói thuốc lá, kẻ giết người thầm lặng - kẻ thù của sức khỏe, cần phải được loại khỏi môi trường sống của con người. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 18/6/2012 và đã có hiệu lực thi hành kể từ 01/5/2013. Để thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, chúng tôi hy vọng người đang hút thuốc hãy suy nghĩ bỏ thuốc vì trách nhiệm với gia đình và cộng đồng; hoặc có hút thuốc thì hút xa nơi đông người; còn những người không hút thì chủ động, mạnh dạn bày tỏ ý kiến đối với người hút thuốc vi phạm quy định, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Từ đó, mỗi người đã góp một phần vào việc xây dựng một thế giới trong lành không có khói thuốc độc hại, thể hiện được trách nhiệm đối với việc bảo vệ sức khỏe của nòi giống dân tộc và đối với thế hệ con cháu mai sau.