Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, điều kiện thuận lợi của mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là nhận được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp trong tỉnh, đặc biệt là người trồng lúa. Tuy nhiên, trong thực hiện cũng vướng phải không ít khó khăn. Đó là, phần lớn các hộ nông dân trồng lúa có diện tích nhỏ (0,3 - 0,5 ha, rất ít hộ có diện tích từ 01 ha trở lên). Đặc biệt, ở các huyện phía Đông của tỉnh, diện tích sản xuất lúa manh mún xa các khu chế biến và tiêu thụ lúa gạo. Người trồng lúa ở tỉnh chưa tiếp cận được với quy trình sản xuất lúa theo VietGAP, trình độ không đồng đều…, nên việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật hạn chế, nhận thức về sản xuất an toàn chưa cao; việc ghi chép nhật ký sản xuất là một yêu cầu quan trọng nhưng chưa được người sản xuất quan tâm đúng mức. Hiện tại ở tỉnh, chỉ có một vài doanh nghiệp thu mua lúa trong mô hình “cánh đồng mẫu lớn” nhưng với qui mô nhỏ từ vài chục ha, không có năng lực mở rộng diện tích thu mua do thiếu nguồn nhân lực, phương tiện (máy sấy, kho chứa, xay xát…), hệ thống thu mua, nên việc xây dựng cánh đồng mẫu thời gian qua chỉ dừng lại ở mô hình.
Cụ thể, năm 2011, Sở NN-PTNT Tiền Giang phối hợp với Công ty Lương thực tỉnh, các địa phương trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh xây dựng “vùng lúa chất lượng gắn với đầu tư và tiêu thụ”, trong đó, lấy hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp làm trọng tâm. Theo đó, Công ty Lương thực tỉnh đã ký hợp đồng tiêu thụ với 5 HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích sản xuất lúa là 2.100 ha, sản lượng 10.500 tấn. Tuy nhiên, đến cuối vụ Công ty Lương thực đã thu mua theo giá thị trường tại thời điểm được 1.112 tấn, chỉ đạt 10,59%. Đến năm 2012, tỉnh tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình vụ đông xuân 2011 - 2012 với qui mô 626 ha/959 hộ nông dân tham gia; sản lượng 3.100 tấn lúa. Mô hình được thực hiện tại 6 huyện trọng điểm lúa của tỉnh: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông. Kết quả thu mua được 1.542 tấn/3.130 tấn, đạt 49,24%.
Không dừng lại, năm 2013 tỉnh tiếp tục mở rộng lên 974 ha/1.160 hộ tham gia “cánh đồng mẫu”, trong đó có 524 ha được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Từ sự phối kết chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp, HTX và nông dân, nên 524 ha được đầu tư, bao tiêu của ba vụ lúa trong năm 2013, nông dân thực lãi từ 12 triệu đến 22 triệu đồng/ha, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất so với tập quán được từ 1,6 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng.
Từ thực tế liên kết xây dựng các mô hình thí điểm trong việc doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân cho thấy, các mô hình đều mang lại hiệu quả thiết thực đối với người trồng lúa; nông dân đã chọn, dùng giống xác nhận, biết cách quản lý dịch hại hiệu quả, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bón phân đúng nhu cầu của cây lúa, chất lượng gạo tăng lên…, là tiền đề để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa. Từ hiệu quả bước đầu này, Tiền Giang đã tập trung thực hiện các giải pháp tiến tới xây dựng và từng bước mở rộng diện tích “cánh đồng mẫu lớn”. Đó là tỉnh đã qui hoạch, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng ở các “cánh đồng mẫu lớn”, để giúp phát huy tối đa hiệu quả của các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp và tạo điều kiện cho máy nông nghiệp, đặc biệt, là máy gặt đập liên hợp đi vào đồng ruộng hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ đề án 4 triệu tấn kho chứa đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt. Chủ yếu là xây dựng cụm kho - sấy - xay xát. Ưu tiên liên kết xây dựng cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa cho các xã nông thôn mới có cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được khẳng định trong mô hình cánh đồng mẫu lớn như các giống có năng suất cao, chất lượng tốt; áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), chương trình ba giảm, ba tăng; một phải, năm giảm; áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch; tập huấn nguyên tắc cơ bản về VietGAP để hướng đến chứng nhận…
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa, cho biết: Hiện vụ đông xuân năm 2013 - 2014, tỉnh đã xây dựng gần 3 nghìn ha “cánh đồng mẫu lớn” ở 8 huyện thị, với gần 20 xã trên địa bàn toàn tỉnh tham gia, chủ yếu sản xuất các giống lúa chất lượng cao, được doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia đầu tư, bao tiêu. Các doanh nghiệp thực hiện liên kết xây dựng “cánh đồng mẫu” tham gia theo hai phương thức: đầu tư vật tư trọn gói và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; đầu tư một phần vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, Công ty Cổ phần BVTV An Giang và Công ty Lương thực Tiền Giang có số lượng đầu tư, bao tiêu thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” nhiều nhất.
Ông Hóa cho biết thêm, việc thực hiện liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn vụ đông xuân năm 2013 - 2014 và năm 2014 sẽ tạo dựng mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo cơ sở tiếp tục nhân rộng, phát triển diện tích, nông dân tham gia “cánh đồng mẫu lớn”, được doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu ở tất cả các vụ lúa trong năm, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng giá lúa bấp bênh, bảo đảm việc tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa.