Các phong trào “đền ơn đáp nghĩa” được phát triển rộng khắp trong cả nước, với nhiều chương trình thiết thực như: Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”; nhà tình nghĩa; vườn cây tình nghĩa; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Hiện nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người (trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận). Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước, như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ; chi trả chế độ cho các đối tượng theo Quyết định 142, 290, 62 và 49 của Thủ tưởng Chính phủ…
Hàng năm, Chủ tịch nước cũng dành gần 1.000 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên Đán và dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước. Từ năm 2013 - 2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.200 tỷ đồng.
Qua 3 năm triển khai theo quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công (2017 - 2019), đến nay đã xác nhận được gần 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, trong đó nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây 70 - 80 năm. Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 72 thân nhân liệt sĩ, đại diện cho 468 thân nhân liệt sĩ trong cả nước.
Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.
Thứ ba, bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở...
Thứ tư, làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Thứ năm, phát triển sâu rộng các phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'', ''Uống nước nhớ nguồn'', "Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng''… với nhiều chương trình phong phú, thiết thực, để cùng chung tay với Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình họ.
Thứ sáu, thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.