Gắn liền với nước mắm, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Tiền Giang nói riêng có hàng loạt loại mắm. Do nguồn cá vùng này vô cùng phong phú nên được chế biến thành rất nhiều món, nhưng món có thể để dành lâu nhất (và do đó cũng phổ biến nhất) chính là mắm. Từ đầu thế kỉ XIX, sách Gia Định thành thông chí của trịnh Hoài Đức đã ghi nhận:“Đất Gia Định nhiều sông hồ, đầm bãi, cứ 10 người thì có đến 9 người thạo chở thuyền, biết bơi lội, thích ăn mặn. Có người ăn vã hai thùng mắm đến hơn 20 cân, chỉ ăn một bữa là hết, để làm trò đánh đố”. Vùng này có rất nhiều loại mắm như: mắm nêm, mắm phệt, mắm ruốc, mắm ruột,… Trong các loại này thì mắm nêm là thứ gia vị bắt buộc trong bữa ăn thời xưa, vì nó đóng vai trò như bột ngọt ngày nay, được dùng nêm vào thức ăn để tạo vị ngọt và mùi thơm.