Trẻ em nước ngoài ăn xin và những chiêu trò chăn dắt

Chủ nhật - 13/09/2015 09:22
Nhóm trẻ em người nước ngoài ăn xin trở thành vấn đề nhức nhối trên phạm vi cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng. Những đứa trẻ này sinh sống ở đâu? Từ sáng sớm là các em đã có mặt tại các chốt đèn giao thông trọng điểm trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Các ngành chức năng đã nhiều đợt đưa các em về địa phương, thế nhưng nhiều năm nay các em vẫn cứ lộng hành và trở nên chuyên nghiệp hơn khi có cả một đường dây, một tổ chức và cư trú không đúng pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Sau hơn 4 tháng điều tra, chúng tôi đã có đủ bằng chứng vạch trần những chiêu bài, thủ đoạn chăn dắt, những nơi chứa chấp trái pháp luật và cả những người chăn dắt các em.
Một nhóm trẻ em nước ngoài ăn xin tại ngã tư Đồng Tâm
Một nhóm trẻ em nước ngoài ăn xin tại ngã tư Đồng Tâm
Bài 1: NHỨC NHỐI NẠN ĂN XIN TRẺ EM NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
 
Hình ảnh những đứa trẻ ăn xin người nước ngoài đã từ lâu không còn xa lạ với người đi đường trên quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang, cao điểm tại ngã tư Cai Lậy, ngã tư Đồng Tâm, ngã tư Lương Phú... Những đứa trẻ đầu tóc cháy nắng, thân hình ốm yếu, nước da đen sạm. Dù không hề muốn nhưng các em đã phải lao vào cuộc sống mưu sinh quá sớm.

Với lượng xe đông đúc qua lại mỗi ngày, cộng với thời gian tín hiệu đèn dài đã trở thành điểm "hành nghề" béo bỡ với đủ các chiêu trò mà các em đã được huấn luyện trước khi hành nghề ăn xin. Để lấy được những đồng tiền của người đi đường, các em được luân chuyển thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau, tránh bị trùng lắp, nhận diện sẽ không xin được tiền và kèm theo đó là những đứa trẻ còn đỏ hỏn được các em buộc khăn trên người hoặc ẵm trên tay để tạo sự thương cảm cho người đi đường.
 

Nhóm trẻ ngồi chờ đèn đỏ tiếp tục ra xin tiền

Theo điều tra của chúng tôi cũng như thông tin từ những người dân tại các điểm ăn xin, thì đứa lớn nhất trong nhóm khoảng 16 tuổi và nhỏ nhất 1 - 2 tháng tuổi, tất cả đều là người Campuchia. Tuy nhiên số lượng trẻ ăn xin chính xác là bao nhiêu, chúng tôi vẫn không thể thống kê được vì chúng thay đổi thường xuyên, liên tục, nhưng chắc chắn theo quan sát thì con số ấy không dưới 40 trẻ.
 
Trên tay những đứa trẻ ăn xin lớn là những đứa trẻ từ 1 vài tháng tuổi đến 1 - 2 tuổi

Sau nhiều ngày theo dõi, cứ như một quy luật, các em tụ tập đông nhất, nhiều nhất vào các ngày thứ 7 và chủ nhật. Vì những ngày này lượng xe lưu thông đông hơn và những người dân làm ăn xa về quê lạ mặt nên bọn chúng dễ dàng xin được tiền nhiều hơn. Và vì thế, lực lượng trẻ ăn xin cũng đông hơn ngày thường, cao điểm tại ngã tư Lương Phú và ngã tư Đồng Tâm lên đến gần 20 đứa trẻ ăn xin cùng lúc.
 

Thứ 7, chủ nhật tại ngã tư Lương Phú có gần 20 trẻ ăn xin tụ tập để xin tiền
 
Lũ trẻ đã được huấn luyện ăn xin một cách rất bài bản, chuyên nghiệp. Bình thường thì bọn chúng vui vẻ, đùa giỡn, đủ thứ trò để chơi, quậy phá, bất chấp tai nạn giao thông đang rình rập; nhưng khi tín hiệu đèn đỏ hiện lên bọn chúng biết cách tỏ ra khổ sở, cuối thấp người, gật đầu nhiều lần khi xin. Riêng những đứa trẻ đỏ hỏn được các em ẵm như thế này trên người cả ngày để ăn xin dù trời có nắng gắt hay mưa. Mỗi ngày số tiền kiếm được của các em là không hề nhỏ!

Chúng có cách để kí hiệu nhau, nếu người đi đường cho tiền 1 đứa trẻ thì các em kéo lại liên tục có những hành động xin, nhưng tất cả các em đều nói tiếng nước ngoài, hoặc ý ới vài câu tiếng Việt, nếu có tiếp cận thì cũng không hiểu chúng nói gì, kí hiệu gì với nhau.

Thông thường, các em bắt đầu công việc ăn xin của mình độ khoảng 6 giờ sáng và kết thúc khoảng 18 - 19 giờ tối, nghĩa là các em phải làm việc 12 đến 13 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Những lúc đèn xanh, chúng lân la, dật dờ trên các dãy phân cách hay vòng xoay để chờ đến lượt đèn đỏ ra xin tiền. Và có những đứa trẻ tay băng bột cũng không được nghỉ ngơi, bởi đây là những miếng mồi béo bở để lấy lòng thương của người đi đường mà các đối tượng tự xưng là cha mẹ bọn chúng hướng tới.

Đáng nguy hiểm hơn, với những xe tải quá tầm với, các em đứng ở đầu xe hoặc gần ca bin giơ cao dụng cụ hoặc nhảy lên cao để xin tiền của những người trong xe. Nhiều trường hợp đèn xanh nổi lên các em vẫn không tránh ra khỏi đầu xe, tiềm ẩn những nguy hiểm từ tai nạn giao thông, nhiều người đã phải chứng kiến cảnh thoát tim này. Ông N.V.S. buôn bán gần ngã tư Lương Phú cho biết: "Chúng ăn xin bất chấp xe cộ đang lưu thông tên đường. Vào buổi sáng, chúng thường đeo theo các xe ô tô, xe tải hướng từ Mỹ Tho lên Sài Gòn để xin, có đứa bu trên xe, có đứa đùa giỡn trước đầu xe tải, có đứa vô tư chạy qua, chạy lại giữa dòng xe tấp nập. Nhiều lúc chúng tôi cũng la nhưng nói chúng chẳng hiểu gì và cũng chẳng nghe, bà con ở đây gần như bất lực với đám trẻ này". 
 

Khi đèn đỏ các em áp sát bên các xe và vỗ kiếng xe ôtô để xin tiền
 
Không đơn giản như những người ăn xin bình thường, chúng được huấn luyện rất tinh vi, rất cảnh giác với người lạ, kể cả những người nghe điện thoại. Một minh chứng cụ thể, khi máy ảnh chúng tôi hướng về bọn chúng, bằng những kí hiệu ngôn ngữ khác nhau, chúng tủa ra khắp nơi để chạy, lẫn trốn trong các tiệm sửa xe, các quán ăn bên lề đường... bất kể lượng xe đang lưu thông trên lộ đông nghẹt và đặc biệt hơn chúng không bao giờ chạy về nơi ở.

Cứ ăn xin như thế này là một vấn đề rất nan giải với các ngành chức năng, gây cản trở lưu thông; ảnh hưởng rất nhiều đến vẻ mỹ quan đô thị. Thường thì đầy rẫy những loại rác thải, vỏ chai nhựa, bọc nilông... sau khi kết thúc ngày xin ăn của các em. Bà N.T. H. buôn bán thức ăn gần ngã tư Lương Phú cho biết: "Các em nó chưa biết ý thức, người đi đường cho thức ăn nếu ngon chúng ăn, còn không ngon bọn chúng bỏ tại chỗ. Nước uống xong cũng quăng vào bùng binh trồng hoa. Nhiều lúc cha mẹ hay mấy người chăn dắt vắng mặt là chúng chạy vào vòng xoay tha hồ đùa giỡn, giẫm đạp, nhổ hoa, thậm chí có đứa còn tiểu ngay lên vòng xoay trồng hoa của ngã tư này".

Qua quá trình theo dõi của chúng tôi cũng như những người dân nơi đây thì các em đã bị biến thành công cụ kiếm tiền cho những người lấy danh là cha là mẹ của các em. Đối với những đứa trẻ này, tuổi thơ của các em đã bị đánh cắp, đày đọa. Những tháng ngày hạnh phúc, hồn nhiên đáng ra các em phải được hưởng, thế nhưng được thay thế bằng những tháng ngày rong ruổi và phơi nắng, dầm mưa trên những tuyến đường để xin từ đồng tiền lẻ về cống nạp. Các em đang bị "kí sinh" từng ngày trên thân hình còm cõi, ốm yếu của mình.

Cao Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập331
  • Máy chủ tìm kiếm62
  • Khách viếng thăm269
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,680,490
  • Tổng lượt truy cập40,049,866
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây