Là một phóng viên trẻ, khi bước chân vào nghề cũng gặp không ít những khó khăn, từ quá trình tập tành làm quen với công việc cho đến việc sáng tạo ra những "đứa con tinh thần". Đó là cả một quá trình dài để thích nghi với công việc. Những lần đi tác nghiệp tại cơ sở, từ những va chạm thực tế, những sản phẩm ấy cũng được ra đời và đáp ứng nhu cầu người đọc, người nghe, xem đài. Lúc đó, những phóng viên trẻ chúng tôi như cảm thấy hứng thú và say mê hơn với nghề mà mình đã chọn.
Thế nhưng, những buồn vui, vấp ngã trong nghề báo có lẽ là những hành trang để những người phóng viên trẻ như chúng tôi tự tin hơn trong việc sáng tác ra tác phẩm mang dấu ấn riêng của chính mình. Từ câu chuyện mới vào nghề, bắt đầu đặt bút viết những tin, bài đầu tiên cho đến việc cho ra đời một phóng sự, phim tài liệu... là cả một hành trình dài, chưa kể đến việc phải chọn lựa đề tài như thế nào để đáp ứng được nhu cầu người đọc, người nghe, người xem trong điều kiện thông tin tràn lan trên các mạng xã hội như hiện nay. Song song đó, việc chọn lọc các nguồn thông tin như thế nào để có thể truyền tải đến với công chúng là cả một vấn đề mà những người phóng viên trẻ, còn non kinh nghiệm như chúng tôi luôn trăn trở.
Tác giả đang phỏng vấn một người dân ở huyện Tân Phú Đông
Đặc biệt, đối với những đề tài mang tính thời sự, đòi hỏi người phóng viên phải nhanh nhạy trong việc xử lý các nguồn thông tin sao cho kịp truyền tải đến công chúng. Thêm vào đó, nhiều lúc phóng viên còn bị từ chối tiếp xúc hoặc trả lời phỏng vấn vì lý do "Anh là phóng viên mới, tôi chưa gặp mặt anh, chưa tin tưởng anh". Mỗi lần như vậy, các phóng viên mới vào nghề như chúng tôi phải tự động viên mình: "Nghề nào mà không có những khó khăn, huống chi nghề làm báo lại là nghề đặc thù. Cái quan trọng phải biết vượt qua khó khăn ấy để trưởng thành hơn, gắn bó lâu dài với nghề mà mình đã chọn".
Nhớ lại một lần đi tác nghiệp phải chạy đua với thời gian, khi đó có một sự kiện chính trị quan trọng diễn ra. Đồng hồ đã điểm 17 giờ 30 phút, rồi sang18 giờ sự kiện mới bắt đầu, vừa nắm được thông tin tôi mở ngay laptop ra để xử lý tại chỗ. Điện thoại liên tục reo, tôi nhấc máy, từ phía bên kia vang lên: Em xong chưa, đem về xử lý để phát sóng ngay, không còn kịp nữa! Tôi vội trả lời: Dạ, em đang về, vài phút nữa sẽ có bài. Cứ thế, điện thoại rung lên liên tục và tôi cứ cặm cụi viết, chỉnh sửa. Đúng 18 giờ10 phút tôi đã kịp chuyển tin cho ban biên tập xử lý. Ngày hôm đó, cả êkíp từ phóng viên, ban biên tập, xướng ngôn, hậu kì... ai nấy đều chạy đua với thời gian để kịp lên sóng lúc 18 giờ 30 phút. Tất cả cũng vừa kịp thời gian lên sóng, nhưng bản thân thấy mình chưa nhanh nhạy trong xử lý thông tin, dù sự việc có diễn ra muộn, có áp lực về thời gian. Đó được xem như một bài học kinh nghiệm, bắt buộc người phóng viên phải nhanh nhẹn, chính xác, kịp thời trong việc xử lý các nguồn tin. Từ đó, tôi bắt đầu tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn cho bản thân mình để làm hành trang cho nghề "phóng viên" - cái nghề mà bản thân đam mê ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, những niềm vui trong nghề làm báo cũng là những món quà không thể nào quên được. Nhớ lắm những lần theo các anh Đội bảo vệ bãi nghêu thuộc Ban quản lý cồn bãi, huyện Gò Công Đông viết về đề tài "Thầm lặng bảo vệ bãi nghêu xứ Gò". Lúc ấy, chúng tôi quên hết cái lạnh của biển, cùng các anh Đội bảo vệ bãi nghêu lênh đênh trên biển lúc giữa khuya để đi kiểm tra, phòng, chống nghêu tặc. Hết lênh đênh trên biển rồi lại lội xuống bãi nghêu đi tuần tra và ngày nào các anh cũng như thế đối với công việc của mình, cho dù đó là ngày nắng hay mưa giông, bão tố. Rồi có những lần theo chân các chị lao công làm việc giữa đêm giao thừa, những anh làm nghề móc cống, những người lầm lũi mưu sinh nơi bãi rác Tân Lập 1... được nghe các anh, các chị kể những câu chuyện thấm đẫm nước mắt về chuyện mình, chuyện đời. Những lúc như thế, chúng tôi như được sống hòa mình với chính những người dân chất phác, thật thà này, cùng thấu hiểu nỗi vất vả, hiểm nguy mà họ đang ngày đêm đối diện và lúc đó, ngòi bút của người viết mới thật sự trở nên "sắc" và "bén" hơn trong việc sáng tác tác phẩm gắn với thực tế cuộc sống quanh mình.
Với những nhà báo sống vì "cái tâm" và "cháy" hết mình vì cái nghiệp, thì điều quan trọng trong nghề đối với họ không phải là những giải thưởng cao quý mà chính là những "đứa con tinh thần" được sáng tác ra có được công chúng tiếp nhận, có phát huy được hiệu quả, tác dụng hay không? Dẫu biết rằng phía trước mình là một chặng đường dài, nhưng mỗi phóng viên, nhà báo luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để có những tác phẩm báo chí chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, phản ánh được những mặt trái của cuộc sống đời thường. Mọi sự việc rồi cũng được phơi bày trước ngòi bút sắc và cái tâm sáng của người phóng viên chân chính.
Nghề báo được coi là nghề khó, tai nạn nghề nghiệp cao, nguy hiểm về tính mạng.... Thời gian làm việc của nhà báo không thể tính bằng giờ hành chính, mà ở đâu xảy ra sự việc là ở đó phải có mặt của nhà báo, họ xung phong trên từng mặt trận. Mỗi người đều có thể lựa chọn cho mình một con đường để đi đến thành công. Với tôi chọn lựa lớn nhất của cuộc đời mình đó chính là lòng quyết tâm và niềm đam mê nghiệp viết báo. Những tác phẩm của tôi có thể chưa sâu sắc, câu văn tôi viết có thể chưa hay, chưa mượt mà, trau chuốt, nhưng tôi ý thức được rằng, khi tôi viết ra tác phẩm, đó là tôi đang đồng hành cùng với những trăn trở của người sống xung quanh tôi, cũng là cách để giúp tôi luôn làm mới ngòi bút của mình, để cho tôi yêu, tự hào về con đường mà tôi đã lựa chọn.
Những kỷ niệm buồn, vui trong nghề báo không thể nào nói hết, nhất là thế hệ nhà báo trẻ như chúng tôi, đôi lúc suy nghĩ nông cạn sẽ dẫn đến chán nghề, mất nhiệt huyết. Đừng vì một lời khen, chê từ một phía mà buông nghề, hãy biết nhìn nhận thực tế cuộc sống bằng sự khách quan, sáng tác tác phẩm bằng chính sự đam mê mà mình đã chọn thì ngòi bút sẽ phát huy được tác dụng tích cực của nó.
Nghề báo không chấp nhận sự lười biếng, cẩu thả, qua loa, đại khái và đặc biệt không được thiếu cái tâm trong sáng. Hãy phát huy tính sôi nổi, sống với đam mê, nhiệt huyết và tự tích lũy kinh nghiệm sáng tác qua mỗi chuyến đi thực tế cơ sở, đó là những hành trang vững chắc để một nhà báo trẻ vững tin bước vào nghề.