Một trong những yếu tố được đề cao trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 chính là vấn đề về phát triển nguồn nhân lực cho ngành Văn hóa. Những năm qua, đã có nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực này đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa đất nước trong thời kì mới. Xác định rõ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực nội sinh to lớn trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Trường Đại học Tiền Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành Văn hóa học từ năm 2018. Từ khi bắt đầu đào tạo đến nay, ngành Văn hóa học năm nào cũng gần như tuyển sinh đủ chỉ tiêu được phê duyệt.
Để thu hút và đáp ứng được yêu cầu của người học, Nhà trường luôn yêu cầu giảng viên chuyên ngành phải cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với với xu thế hội nhập và phát triển. Theo định hướng đào tạo, cử nhân ngành Văn hóa học của Trường Đại học Tiền Giang có kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại về lý luận và lịch sử văn hóa, các phương pháp và kỹ năng nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam để người học có khả năng vận dụng kiến thức, tư duy và các phương pháp văn hóa học vào tổ chức các hoạt động của ngành.
Ngoài những môn học đại cương thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên ngành Văn hóa học được trang bị kiến thức cơ bản về văn hóa qua nhiều môn học chuyên ngành: Văn hóa nông thôn Việt Nam, Văn hóa Nam bộ, Văn hóa dân gian Việt Nam, Văn hóa đô thị, Văn hóa ẩm thực, Quản lý văn hóa, Văn hóa du lịch, Văn hóa truyền thông, Văn hóa ứng dụng…
Hoạt động liên kết tạo đầu ra cho sinh viên sau tốt nghiệp: Được thực hiện thông qua quá trình khoa hướng dẫn sinh viên đi thực tập tại các đơn vị, thông qua việc lấy ý kiến đánh giá chất lượng thực tập của cơ quan; Thường xuyên liên kết với các đơn vị uy tín để gửi sinh viên về thực tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, Bảo tàng Tiền Giang, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang và một số đơn vị chuyên môn khác.
Các hoạt động chuyên môn tiêu biểu của sinh viên ngành Văn hóa học của Trường Đại học Tiền Giang: sinh viên có nhiều cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sinh viên, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, thanh niên tình nguyện hè, hiến máu nhân đạo và các hoạt động rèn luyện các kĩ năng mềm (kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng phát biểu trước đám đông…).
Bên cạnh đổi mới nội dung chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên của khoa cũng không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy thích ứng với sự thay đổi không ngừng của xã hội. Với những mặt thuận lợi trên, qua khảo sát của Khoa những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành và những công việc liên quan đến ngành học đều đạt trên 90%. Tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp như vậy cũng cho thấy rằng, nhu cầu tuyển dụng nhân lực đối với lĩnh vực Văn hóa học hiện nay khá lớn.
Để định hướng phát triển ngành Văn hóa học của Trường Đại học Tiền Giang trong thời gian tới: Đảm báo số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu văn hóa, cán bộ văn hóa truyền thông và cán bộ văn hóa đối ngoại; Liên kết chặt chẽ với các đơn vị tuyển dụng để thường xuyên có những trao đổi, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội. Với đội ngũ giảng viên cơ hữu giàu kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao cùng các giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia và nhà khoa học từ các trường đại học trong và ngoài tỉnh, khoa Sư phạm và Khoa học cơ bản luôn mong muốn mang đến cho sinh viên những kiến thức mới nhất để có thể ứng dụng trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.