Những hiệu quả mang lại qua 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Thứ tư - 13/12/2023 22:54
Qua 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Đề án) mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, trình độ hiểu biết về pháp luật cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; đồng thời là điều kiện tốt để đưa Nghị quyết của Đảng vào đời sống xã hội và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Học sinh trường Tiểu học Phú Nhuận tham gia Ngày hội đọc sách.
Học sinh trường Tiểu học Phú Nhuận tham gia Ngày hội đọc sách.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết được quan tâm thực hiện đồng bộ. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án; quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng, tu bổ các nhà văn hóa, thư viện, tủ sách xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện văn hóa... đảm bảo các điều kiện thuận lợi đối với việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn để phục vụ nhu cầu tìm hiểu và nâng cao kiến thức về mọi mặt của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Việc sơ, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án được thực hiện hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Trung ương. Qua đó, đã đánh giá được hiệu quả mà Đề án mang lại, kịp thời phát hiện những mô hình hay để phổ biến rộng rãi, tiếp thu những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và Nhân dân liên quan đến việc quản lý, sử dụng sách và đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện Đề án một cách có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Chất lượng nội dung, hình thức sách của Đề án ngày càng nâng cao, các thể loại sách được trang bị có nội dung phong phú, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc, tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Hầu hết các ấn phẩm trình bày đẹp, được biên soạn ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ tiếp thu; nội dung thiết thực, tương đối bám sát yêu cầu cơ sở, góp phần quan trọng việc tham khảo, nghiên cứu, cung cấp các văn bản, tài liệu hướng dẫn cho cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, góp phần tuyên truyền trong Nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ khi thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở đến nay, các xã, phường, thị trấn nhận được các loại sách như: Sổ tay học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách phục vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; các mô hình hợp tác kiểu mới phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm xóa đói giảm nghèo, xây dựng các cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm; sách về các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; các ấn phẩm phục vụ cho việc cập nhật thông tin về khu di tích lịch sử, du lịch; hỏi - đáp về sinh hoạt chi bộ; bạo lực giới và cách ứng phó; chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam; sách tìm hiểu về Luật an ninh mạng; hỏi - đáp về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;… và nhiều đề tài, nội dung có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, sinh hoạt của Nhân dân và trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, tại hệ thống thư viện trên toàn tỉnh có rất nhiều đầu sách các loại, trong đó tập trung chủ yếu vào các sách như: sách pháp luật, sách thiếu nhi, văn học nghệ thuật và văn học nước ngoài,...

Công tác quản lý, nghiên cứu, học tập sách của Đề án được quan tâm thực hiện thường xuyên, việc quản lý, nghiên cứu, học tập sách và các ấn phẩm của Đề án được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tổ chức thực hiện một cách khoa học nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng; các xã, phường, thị trấn đã phân công cán bộ tư pháp, cán bộ văn hóa thông tin hoặc cán bộ tuyên giáo cơ sở quản lý việc khai thác, sử dụng sách được trang bị, thực hiện niêm yết quy chế sử dụng sách. Các xã, phường, thị trấn đã tiến hành xây dựng, bố trí đặt tủ sách tại Văn phòng Đảng ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân xã, nhà văn hoá xã hoặc bố trí chung với tủ sách pháp luật. Công tác quản lý chủ yếu thông qua sổ theo dõi sách được tiếp nhận, mượn, trả sách. Các đầu sách được phân loại, sắp xếp theo từng lĩnh vực, lập sổ quản lý, xây dựng mục lục để thuận lợi cho việc theo dõi, lưu trữ cũng như việc tra cứu của độc giả. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn còn thực hiện khai thác, sử dụng sách điện tử tại trang wed: http://thuviencoso.vn được hoạt động từ năm 2009 đến nay.

Trong công tác tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng sách đã xuất hiện một số mô hình sử dụng sách có hiệu quả. Điển hình như tại thị xã Gò Công, Thư viện Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh thị xã thực hiện Chương trình “Sách đi tìm người” với những chuyến xe chở sách về với các xã ở xa trung tâm để phục vụ nhu cầu đọc sách của Nhân dân. Thư viện thị xã giới thiệu sách qua Trang thông tin điện tử của đơn vị mình phụ trách để bạn đọc dễ dàng tra cứu và tìm đọc. Tại các xã, phường của thị xã, việc khai thác, sử dụng sách được thực hiện chặt chẽ, khoa học: Đảng ủy xã, phường làm Thẻ tra cứu để thuận lợi trong việc quản lý và sử dụng sách, sách được bảo quản riêng tại “Tủ sách được Trung ương trang bị theo Đề án” và có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của Thường trực đảng uỷ xã, phường.

Công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện, trong đó chú trọng tuyên truyền Kết luận 30-KL/TW, ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị được các cấp ủy, cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh phối hợp thực hiện tốt.

Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên bằng các hình thức phong phú, đa dạng: thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở; qua các cuộc họp cơ quan, chi bộ, đoàn thể; qua đội ngũ cán bộ văn hóa, thông tin ở xã, phường, thị trấn; các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, FanPage),.... để kịp thời giới thiệu nội dung sách, phát động phong trào đọc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm thu hút đến đọc và tìm hiểu. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị, địa phương phân bổ các loại sách của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản cho Ban Tuyên giáo cấp ủy huyện (tương đương), số lượng trên 3.000 đầu sách thuộc các thể loại lịch sử, văn hóa, hồi ký,…

Để hình thành thói quen đọc sách, nâng cao kiến thức, khả năng đọc trôi chảy, tư duy nhanh cho các em học sinh và khuyến khích phong trào đọc sách trở thành thói quen, từ đó hình thành văn hóa đọc sách trong học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức ngày Hội đọc sách với chủ đề “Thiếu nhi với ngày hội đọc sách” tại các trường Tiểu học trên địa bàn, hoạt động thu hút hàng trăm học sinh tham gia mỗi năm. Thông qua các hoạt động đã khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng.

Để Đề án mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đưa kiến thức lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, đời sống đến cơ sở, trong thời gian tới, các cấp ủy, địa phương cần tiếp tục quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Đề án; thường xuyên kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng để phát huy hiệu quả cao hơn. Quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng, tu bổ các nhà văn hóa, thư viện, tủ sách xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện văn hóa,... đảm bảo các điều kiện thuận lợi đối với việc triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Thường xuyên khảo sát nhu cầu đọc để kịp thời đề xuất bổ sung những loại sách mới, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người đọc.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về văn hóa đọc sách; tuyên truyền, giới thiệu danh mục sách ở cơ sở để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm, chủ động tìm đến những loại sách phù hợp nhu cầu nghiên cứu của mình. Thực hiện luân chuyển sách để người dân được đọc và tiếp cận với nhiều loại sách hơn; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong quản lý, khai thác, sử dụng sách. Thường xuyên kiểm tra các tủ sách được trang bị; kịp thời đề xuất sửa chữa, mua mới các trang thiết bị; tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bố trí không gian phù hợp, thoải mái để người đọc dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu; huy động, trang bị thêm các đầu sách, tư liệu cho các tủ sách phù hợp với nhiều đối tượng ban đọc.

Thanh Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập664
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm638
  • Hôm nay90,986
  • Tháng hiện tại1,223,633
  • Tổng lượt truy cập34,809,278
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây