Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm đưa văn hóa học tập vào cuộc sống của Nhân dân, đến với mỗi gia đình, mỗi dòng họ để phát triển vững chắc gia đình, dòng họ thì văn hóa học tập gia đình, văn hóa học tập dòng họ được xác định là yếu tố cơ bản, vừa là mục tiêu, giá trị hướng tới, vừa là động lực bền vững thúc đẩy sự phát triển và ổn định xã hội, để tạo nên những cộng đồng dân cư học tập, hướng đến phát triển xã hội học tập. Trên nền tảng đó các mẫu hình học tập “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” truyền thống được củng cố và phát huy, những giá trị văn hóa học tập thời đại sẽ tạo ra bản sắc văn hóa học tập, xã hội học tập của dân tộc Việt Nam, hình thành một quốc gia học tập, văn hóa và văn minh trong thời đại kinh tế tri thức dưới tác động cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới giáo dục và đào tạo, về xây dựng các mô hình học tập góp phần xây dựng xã hội học tập ở nước ta theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW [2] của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 49-KL/TW [3] của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg [4], Quyết định số 1373-QĐ-TTg [5] về phê duyệt các đề án xây dựng xã hội học tập với mục tiêu nhằm đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng; xây dựng các mô hình học tập với những tiêu chí đánh giá, công nhận theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong cả nước.
Đến nay, sau nhiều năm triển khai, xây dựng mô hình gia đình, dòng họ với nền tảng văn hóa học tập của gia đình, dòng họ hướng đến gia đình hạnh phúc bền vững, xác lập hệ giá trị theo hướng chân - thiện - mỹ với những nội dung, giá trị chủ yếu là tinh thần hiếu học, luôn cầu tiến và sáng tạo trong tiếp thu những tri thức khoa học; thủy chung, hòa thuận, hiếu thảo, trung thực, giản dị, khiêm tốn, trách nhiệm trong lối sống và nếp sống để hoàn thiện nhân cách của mỗi thành viên trong từng gia đình, từng dòng họ nhằm củng cố các mối quan hệ trong gia đình, giữa các gia đình với nhau và giữa gia đình với dòng họ, với xã hội đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần làm thăng hoa văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội Khuyến học Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, đến nay, các cấp hội trong cả nước đã và đang triển khai mạnh mẽ việc đăng ký, bình xét danh hiệu: “Công dân học tập” với ba tiêu chí khung dựa trên năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực sử dụng công cụ học tập, làm việc và năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội của từng người dân/công dân trong xã [6], công dân học tập là người lao động, công dân học tập là cán bộ công nhân viên, doanh nhân, công dân học tập là học sinh, sinh viên, học viên; đăng ký, bình xét danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” với các tiêu chí khung như kết quả học tập của gia đình, điều kiện học tập của gia đình theo các tiêu chí đánh giá [7], trong đó có nhiều địa phương đã sáng tạo, tham mưu lồng ghép việc bình xét các mô hình học tập với việc đăng ký, đánh giá “Gia đình văn hóa”, “Thôn/tổ văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” …
Hiện nay, đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam. Do đó, muốn xây dựng một xã hội học tập đúng nghĩa thì không thể coi nhẹ yếu tố “Gia đình học tập”, trong đó yếu tố hạt nhân trong gia đình học tập là mô hình “Công dân học tập”. Không có “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” thì không thể có “Cộng đồng học tập” , xã hội học tập mà ở đó phải bắt đầu từ công dân, rồi đến gia đình và dòng họ. Mô hình “Công dân học tập” trong mỗi gia đình sẽ tạo nên chất lượng của các mô hình học tập từ cấp hành chính cơ sở trở lên.
Có thể khẳng định, việc xây dựng và thực hiện thành công các mô hình công dân học tập, gia đình học tập trong thời gian qua là một việc làm thiết thực, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Việc triển khai đồng bộ các mô hình học tập đã góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học, ham học hỏi, học tập suốt đời trong nhân dân lao động trong cả nước, làm tiền đề cho sự phát triển thành công của việc xây dựng xã hội học tập của từng địa phương, góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
[1] Hồ Chí Minh. Thế nào là Liêm - Toàn tập, Tập IV, NXB Sự thật, H, 1984, tr.444-466.
[2] Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội.
[3] Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội.
[4] Quyết định số 89/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.
[5] Quyết định số 1373-QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”.
[6] Công dân trong xã là người dân từ 15 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn xã (bao gồm cả thành viên trong đơn vị và người học).
[7] Quyết định số 242/QĐ-HKHVN, ngày 28/7/2022 về Ban hành bộ tiêu chí và Hướng dẫn đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” giai đoạn 2021 - 2030. Quyết định số 324/QĐ-HKHVN, ngày 25/10/2023 về Ban hành bộ tiêu chí và Hướng dẫn đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập”.