Phát biểu tại lễ phát động, TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur cho biết: Tại Việt Nam, bệnh SXH lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam, miền Trung, dịch thường phát triển vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11. Với sự nỗ lực của ngành y tế, các ban ngành, đoàn thể và người dân, số mắc và tử vong do SXH đã giảm liên tục qua các năm, cụ thể năm 2014 vừa qua, số mắc và tử vong do SXH ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, bệnh SXH gia tăng cao so với năm 2014, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam. Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có thể tiêu diệt được muỗi trưởng thành nên diệt lăng quăng là cách hữu hiệu để loại trừ muỗi gây bệnh SXH.
Tiền Giang là một trong những tỉnh có tỷ lệ mắc SXH tăng cao và bệnh diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.300 ca mắc và số người trên 15 tuổi mắc bệnh khá cao. Riêng xã Kiểng Phước là một trong những điểm nóng về SXH của Tiền Giang với 151 ca mắc, tăng 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Đặng Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sau khi triển khai chiến dịch mẫu tại Tiền Giang, Bộ Y tế sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và triển khai chiến dịch trong cả nước.
Ông Đặng Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (đứng bìa trái), cùng đội đặc nhiệm đến hộ dân kiểm tra lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước
Ngay sau lễ triển khai chiến dịch mẫu diệt lăng quăng, “Đội đặc nhiệm phòng chống SXH” của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM và tỉnh Tiền Giang đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo thực hành chiến dịch tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông với các hoạt động như: tuyên truyền, vận động, huy động sự chủ động tham gia phòng chống sốt xuất huyết trên các xe loa tuyên truyền, loa phát thanh; đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cùng tham gia thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, ngăn muỗi đẻ trứng phòng chống bệnh SXH…