Bảo vệ tài nguyên và môi trường - Thách thực đối với doanh nghiệp trong xu thế hội nhập quốc tế

Thứ hai - 21/12/2015 01:38
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nêu rằng: “Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật”. Điều này cho thấy, môi trường có vai trò đặc biệt đối với sự sống và chất lượng cuộc sống của con người, cũng như sự phát triển của địa phương, quốc gia, dân tộc. 
Hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Mỹ Tho
Hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Mỹ Tho
Và yêu cầu con người trong quá trình phát triển cần thực hiện việc giữ gìn và bảo vệ môi trường tự nhiên trong khai thác tài nguyên thiên nhiên; khi tạo lập môi trường nhân tạo để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, phát triển thì cần tính đến các yếu tố bền vững: phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên, xây dựng mối quan hệ cộng đồng xã hội tốt đẹp, đảm bảo lợi ích lâu dài cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Qua hơn 22 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở nước ta nói chung, tại tỉnh Tiền Giang nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, ý thức BVMT trong xã hội được nâng lên, mức độ ô nhiễm và suy thoái môi trường được kiểm soát, các sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế và xử lý có hiệu quả.

Trong những năm qua, sự phát triển của quá trình công nghiệp hoá là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, quá trình này cũng đã ít nhiều bộc lộ những mặt trái, nhất là những thách thức về môi trường, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì trong tương lai không xa tỉnh sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng, khó phục hồi. Thách thức về môi trường đối với Tiền Giang là: (1) gia tăng ô nhiễm nguồn nước mặt do nước thải từ quá trình phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nước thải sinh hoạt đô thị, chất thải từ chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản và do không ngừng gia tăng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; (2) suy giảm tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái nhạy cảm tại vùng Đồng Tháp Mười, vùng rừng ngập mặn ven biển Gò Công do các tác động tự phát, thiếu cơ sở khoa học trong khai thác và sử dụng tài nguyên đất, do hình thành các khu công nghiệp ven biển; (3) tình hình thiên tai, sự cố môi trường diễn biến ngày càng phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

1. Thách thức về thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp (DN): Trong xu hướng hội nhập, việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của DN đặc biệt là BVMT sẽ giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của DN. Việc thực hiện chính sách và pháp luật BVMT, hay trách nhiệm với xã hội tại các DN Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn và bất cập. Nguyên nhân của vấn đề trên có thể kể đến là:

Hầu hết DN đều xem đầu tư BVMT như là một chi phí mà họ không thể chi trả được. Có nhiều ý kiến cho rằng BVMT là một hoạt động đầu tư tốn kém; để có lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh về giá cả, DN phải “hoãn” vấn đề môi trường sang một bên. Do đó, DN không quan tâm đến cải thiện môi trường, việc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường tại DN chỉ mang tính chất đối phó với các cơ quan chức năng chứ chưa xuất phát từ ý thức.

Doanh nghiệp chỉ chú trọng đến mục đích kinh doanh mà không tìm hiểu những kiến thức cơ bản, cũng như chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường nên chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề BVMT; thiếu chiến lược quảng bá hình ảnh của DN về công tác BVMT đối với thị trường trong nước và quốc tế.

Những động lực để DN thực hiện trách nhiệm BVMT hiện nay còn hạn chế, chỉ dừng lại bằng mệnh lệnh hành chính, nên chưa nâng cao được nhận thức và thực hiện trách nhiệm BVMT của các DN đang hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhờ việc quản lý BVMT khá chặt chẽ, nên các DN đều nhận thức và thực hiện trách nhiệm BVMT, mặc dù chưa hoàn hảo. Các DN nằm trong các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải đạt mức thỏa thuận, được thu gom đưa vào hệ thống xử lý tập trung đạt mức chất lượng cột A của quy chuẩn nước thải công nghiệp trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Việc xử lý nước thải ở các cụm công nghiệp thì kém hơn, do đến nay hầu hết các cụm công nghiệp chưa hoàn tất việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đây chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước mặt cần quan tâm xử lý.

2. Nguồn lợi xanh do bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp: Bảo vệ môi trường được xem là thách thức đối với các DN. Tuy nhiên, nếu có cách tiếp cận đúng và lựa chọn được phương pháp hiệu quả, với một nguồn đầu tư thích hợp, DN vẫn có thể đáp ứng tốt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nếu vượt qua những thách thức này thì công tác bảo vệ môi trường có thể mang đến cho DN những nguồn lợi không nhỏ. Cụ thể về các nguồn lợi khi thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường là:

Giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm: khi áp dụng các công cụ quản lý môi trường hữu hiệu sẽ giúp DN nâng cao năng lực kiểm soát đầu vào, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, điện, nước, vật tư, lao động… dẫn tới giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm.

Giảm thiểu chất thải, giảm ô nhiễm môi trường, tăng tính cạnh tranh sinh lợi: để thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường thì DN thường sử dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường. Thông qua việc tự nguyện chấp hành và xử lý tốt vấn đề môi trường, DN sẽ nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đem lại lợi nhuận cao về kinh tế cho DN và góp phần BVMT.

Khả năng xây dựng thương hiệu “sản phẩm xanh”: khi DN xử lý tốt các vấn đề môi trường thì DN đã xây dựng được hình ảnh tốt đẹp trong mắt khách hàng, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội; có thể giúp DN vượt qua những rào cản kỹ thuật khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài.

Với những chính sách bảo vệ môi trường trong thời gian qua như: “Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn”, Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025” cùng với Luật Bảo vệ môi trường… sẽ là hành lang pháp lý để công tác quản lý môi trường cũng như thực thi môi trường tại các cơ quan quản lý, địa phương và các DN sẽ ngày một tốt hơn, giúp các DN hội nhập sâu hơn nữa trên thương trường quốc tế.

3. Những thách thức về bảo vệ môi trường đối với DN ở Tiền Giang trong phát triển kinh tế và hướng giải quyết
 
Hội nhập sẽ giúp con người tiếp cận được tri thức mới, giúp mở rộng quan hệ giao lưu và hợp tác quốc để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh; doanh nghiệp sẽ có cơ hội vươn xa ra nước ngoài để giới thiệu hàng hóa của mình và mở rộng kinh doanh thương mại, phát triển doanh nghiệp. Nhận thức điều đó, Nhà nước đã thực hiện ký nhiều thoả thuận quốc tế về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đều cùng thực hiện các thỏa thuận, hiệp ước mà Chính phủ đã ký kết.

Tuy nhiên, yêu cầu của các hiệp định này rất khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp phải vượt qua các thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế như: (1) Nâng cao trình độ nhân lực và công nghệ đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá; (2) Đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm của quốc tế; (3) Xây dựng được mô hình phát triển kinh tế bền vững; (4) Nâng cao nhận thức sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT trong quá trình sản xuất; (5) Nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác quốc tế.

Để giải quyết thách thức về BVMT trong phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay của DN, có thể định hướng như sau:

Về phía chính quyền:

Đẩy mạnh việc cải thiện chính sách, môi trường đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh xanh.

Tiếp tục thực hiện đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại gia đình, đặc biệt là kinh tế hợp tác; hỗ trợ vốn cho các thành phần kinh tế này thực hiện đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường.

Tích cực phát triển thị trường nội địa, củng cố và phát triển có hiệu quả hoạt động của các trung tâm thương mại và các chợ đầu mối trên địa bàn; tích cực giới thiệu, phổ biến, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm xanh, sạch, an toàn, thân thiện môi trường như gạo, trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP… đến mọi người dân để tạo sự ủng hộ của cộng đồng xã hội và tăng tiêu thụ sản phẩm, giúp doanh nghiệp phát triển.

Xây dựng chiến lược đầu tư theo định hướng xuất khẩu, tập trung giữ vững và phát triển các thị trường đã có, nghiên cứu kỹ và xúc tiến mở rộng các thị trường mới; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, trưng bày giới thiệu sản phẩm xanh, sạch, an toàn, thân thiện môi trường; đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, chào hàng...

Mở rộng hợp tác phát triển toàn diện giữa Tiền Giang với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, xử lý môi trường, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường công tác truyền thông môi trường để nâng cao nhận thức và thúc đẩy các DN thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn, thay đổi thiết kế hoặc đổi mới công nghệ sản xuất để làm lợi cho DN và môi trường.

Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 để định hướng và kiểm soát mọi hoạt động có khả năng gây ra các tác động tới môi trường xung quanh như: ghi nhãn môi trường, đánh giá vòng đời của sản phẩm, trao đổi thông tin môi trường và các khía cạnh môi trường trong tiêu chuẩn sản phẩm.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu các tác động tiêu cực, phòng ngừa và ứng phó các sự cố môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT.

Về phía các doanh nghiệp:

Coi trọng việc cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp để thực hiện những cải tiến cần thiết trong sản xuất và quản lý tại cơ sở, nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý tốt chất thải, thực hiện tốt trách nhiệm BVMT, tiếp cận và ứng dụng công nghệ sạch; áp dụng các phương pháp quản lý môi trường nhằm đạt được mục đích cân bằng giữa việc duy trì lợi nhuận sản xuất và giảm thiểu tác động tới môi trường.

Tham gia chương trình sản xuất sạch, tự kiểm toán quá trình sản xuất để điều chỉnh các thông số đầu vào, đầu ra phù hợp; đề ra và áp dụng các biện pháp giảm chi phí nguyên liệu, vật tư, điện, nước; giảm lượng phát thải các chất rắn, lỏng, khí nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, góp phần BVMT tốt hơn.

Xây dựng kế hoạch áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 để định hướng và kiểm soát mọi hoạt động có khả năng gây ra các tác động tới môi trường; đề ra và thực hiện các biện pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng ngừa sự có môi trường.

Tăng cường đầu tư nghiên cứu, sáng tạo nhiều sản phẩm sạch, thỏa mãn chất lượng tiêu dùng, sau khi sử dụng không gây ô nhiễm môi trường; tạo dựng thương hiệu xanh, tăng cường quảng bá hình ảnh DN và sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện.

Huỳnh Thị Tú Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập518
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm464
  • Hôm nay59,093
  • Tháng hiện tại1,994,722
  • Tổng lượt truy cập40,364,098
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây