Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Lê Quang Vĩnh, Trợ lý Thường trực Ban Bí thư Trung ương thông tin về “Kết quả Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII” và chuyên đề “Việc lấy ý kiến góp ý của Nhân dân và tổng hợp ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Quyền Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao thông tin chuyên đề “Những vấn đề mới đặt ra và định hướng chính sách đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Báu - Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị một số nội dung tập trung tuyên truyền trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, về công tác chuẩn bị, kết quả đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Tuyên truyền việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập trung cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng dự thảo các văn kiện; thông tin những tư tưởng, quan điểm mới trong dự thảo văn kiện và ý kiến đóng góp của nhân dân, đồng thời theo dõi, nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc đóng góp nội dung dự thảo các văn kiện.
Thứ hai, về tình hình quốc tế và công tác đối ngoại: Trong bối cảnh quốc tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội và cuộc sống của con người, song với tinh thần chủ động nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần duy trì môi trường hòa bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Thứ ba, về Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức, mục đích, ý nghĩa của các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Từ đó, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy tinh thần thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua tuyên truyền về Đại hội thi đua yêu nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đưa phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân.
Thứ tư, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước: tuyên truyền về sự đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng, chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; về sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội” trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội của nước ta và trên toàn cầu; tuyên truyền về tỷ lệ chữa khỏi bệnh của Việt Nam được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tiếp tục tuyên truyền về tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới để người dân đề cao cảnh giác nguy cơ dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn, tuân theo các khuyến cáo của cơ quan chức năng và ủng hộ, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.