Quá trình vận động, thành lập và lãnh đạo cách mạng ở địa phương, Đảng bộ Tiền Giang thu được nhiều thành công, tạo dựng được pho lịch sử vô cùng anh dũng với nhiều kinh nghiệm vận động cách mạng, vận dụng đường lối, quan điểm của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương. Tái hiện khách quan quá trình Đảng bộ lãnh đạo cách mạng, tổng kết rút ra bài học lịch sử của Đảng bộ và đưa tri thức lịch sử đó vào giảng dạy trong nhà trường là rất hữu ích, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý chí, tình cảm cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, làm sáng tỏ và bổ sung cơ sở lịch sử xây dựng và tổ chức thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hơn 10 năm qua, Tỉnh ủy Tiền Giang rất quan tâm đến công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử, nhất là từ khi có Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, công tác nghiên cứu biên soạn và giảng dạy lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, ban ngành, đoàn thể được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ. Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Thông tri 09-TT/TU ngày 24-10-2002 về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Các cấp ủy Đảng, ban ngành, đoàn thể nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác chính trị, tư tưởng. Nhiều đơn vị đề xuất đưa kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ thành một tiêu chí bình xét danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Ở các huyện, thành phố, thị xã, Ban Tuyên giáo xây dựng đề cương, hướng dẫn nghiên cứu, biên soạn cho Đảng bộ cơ sở, tổ chức tập huấn triển khai đồng bộ, thống nhất.
Sau 10 năm (2002 - 2012), công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể đạt được kết quả quan trọng. Cấp xã có 77/169 đơn vị chiếm 45,56% in, phát hành lịch sử Đảng bộ; 38 đơn vị (ban, ngành, đoàn thể tỉnh và cấp huyện) đã phát hành lịch sử truyền thống; cấp tỉnh phát hành 15 đầu sách về lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang và các chuyên đề về lịch sử Đảng bộ.
Nhìn chung, các công trình lịch sử được biên soạn, xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung đảm bảo tính thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ Tiền Giang. Nhiều công trình chú ý đến tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, ngành, do vậy góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong sự nghiệp đổi mới.
Đối với biên soạn lịch sử Đảng bộ, các cấp ủy địa phương rất quan tâm chỉ đạo biên soạn. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó không chỉ đối với địa phương mà cả trong chỉ đạo của tỉnh, nhất là công tác sưu tầm, khai thác tư liệu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, do công tác lưu trữ tư liệu trong chiến tranh không đảm bảo, thất lạc nhiều. Mặt khác, các xã căn cứ cách mạng, xã anh hùng đều thuộc xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khai thác tư liệu từ nhân chứng gặp nhiều khó khăn.
Nghiên cứu lịch sử Đảng không phải chỉ là ôn lại quá khứ, mà chủ yếu là tìm hiểu sâu sắc cái đã qua để có điều kiện hiểu được cái đang, sắp diễn ra, phục vụ tốt hơn cho việc xem xét và giải quyết những vấn đề của Đảng ở địa phương trong hiện tại và tương lai. Trước những yêu cầu to lớn, cấp thiết của công tác tư tưởng, lý luận trong tình mới và từ thực tế thành công cũng như hạn chế trong hoạt động của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các địa phương ở tỉnh Tiền Giang thời gian qua, để tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng
Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, Thông tri 09-TT/TU của Tỉnh ủy. Nghiên cứu, tổng kết lịch sử Đảng là làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về Đảng, là giáo dục về Đảng; là tổng kết thực tiễn lịch sử, làm rõ lý luận con đường cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm rõ lý luận và thực tiễn về xây dựng Đảng, góp phần vào công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của Đảng hiện nay.
Muốn đạt được mục đích đó, Đảng bộ phải ra nghị quyết về công tác biên soạn lịch sử. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử phải do cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo trong suốt quá trình thực hiện, có nghĩa là lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Ban biên tập và các thành viên thực hiện biên soạn; bảo đảm Đảng bộ lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ nhưng không bao biện làm thay, nâng cao trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, Ban biên tập và đảng viên tham gia thực hiện công trình.
Đảng bộ lãnh đạo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử bằng kiểm tra, giám sát. Sự giám sát của cấp ủy trước tiên thông qua sự tham dự đầy đủ các cuộc tọa đàm xác minh tư liệu, hội nghị thông qua bản thảo. Qua đó, Ban Chỉ đạo nắm được tiến độ thực hiện và giải quyết kịp thời vướng mắc, khó khăn trong thực hiện.
Kiểm tra thông qua kết quả của từng cuộc tọa đàm và hội nghị thông qua bản thảo để đánh giá kết quả đạt được. Qua đó điều chỉnh kế hoạch thực hiện, thậm chí thay đổi một vài thành viên vì không đáp ứng yêu cầu của công tác biên soạn lịch sử. Để giám sát, kiểm tra khách quan, nghiêm túc đảm bảo tiến độ thực hiện và chất lượng biên soạn, cấp ủy còn thông qua các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, nhất là ý kiến đóng góp của nhân dân và đặc biệt là kết quả của sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn được thông qua các hội nghị.
2. Nâng cao nghiệp vụ biên soạn lịch sử Đảng
Đây là vấn đề then chốt có tính quyết định. Phải lựa chọn những cán bộ có tâm huyết, có trình độ nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên được phân công nhiệm vụ công tác này; động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cả về tinh thần, vật chất và điều kiện làm việc. Đảm bảo tài chính, hậu cần cho các yêu cầu công tác xác minh, khai thác… Vì vậy, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Ban Tuyên giáo phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tổ chức tập huấn nghiệp vụ biên soạn lịch sử cho cán bộ cơ sở. Ngoài lực lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, các cấp ủy Đảng địa phương, đơn vị phải lưu ý đến đội ngũ giáo viên dạy lịch sử ở trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Cấp tỉnh lưu ý đến đội ngũ giảng viên khoa Lý luận chính trị của Trường Đại học Tiền Giang, khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị Tiền Giang. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm đầu mối giới thiệu đội ngũ này đến hỗ trợ các địa phương, đơn vị. Đây là yếu tố quan trọng quyết định thực hiện thành công các mục tiêu, yêu cầu đề ra của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử.
3. Sưu tầm, xác minh và thẩm định tư liệu
Nhiệm vụ của biên soạn lịch sử chẳng những khôi phục lại bức tranh lịch sử, tái hiện lại quá trình lịch sử, làm sống lại quá khứ, mà còn khám phá ra bản chất, quy luật của lịch sử, rút ra bài học, kinh nghiệm. Muốn vậy phải sưu tầm đầy đủ tư liệu cần thiết, tiến hành xác minh, thẩm tra và nghiên cứu tư liệu. Tập trung sưu tầm và xác minh tư liệu để nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn. Trong điều kiện hiện nay, để có thể biên soạn được lịch sử phải làm sao có đủ tư liệu cần thiết, đó là: nghị quyết, chỉ thị, báo cáo và các văn kiện quan trọng của cấp ủy, chính quyền; sự kiện lịch sử về không gian, thời gian, diễn biến, kết quả để phản ánh diễn biến lịch sử của từng giai đoạn lịch sử; hồi ký, ký ức, hồi tưởng, lời kể của các đồng chí lãnh đạo cách mạng. Một số tài liệu cần thiết khác như: tài liệu của địch, nhân chứng, vật chứng, tài liệu tham khảo… Tư liệu phải được tọa đàm và xác minh. Vì vậy trên cơ sở nghiên cứu nghiêm túc, tư liệu được xác minh mới khám phá được bản chất của sự kiện lịch sử, tái hiện được bộ mặt chân thật của lịch sử, rút ra bài học, kinh nghiệm lãnh đạo quí báu của Đảng bộ trong quá khứ để vận dụng vào quá trình lãnh đạo hiện nay. Thực tế chỉ ra rằng, công trình thiếu tính nghiêm túc, không giám sát, thẩm tra kỹ tư liệu chẳng những không đạt kết quả, mà hậu quả là rất nguy hại. Tư liệu phong phú, được xác minh và thẩm định đúng qui trình thì tác phẩm lịch sử sẽ đạt chất lượng về mặt khoa học và hấp dẫn người đọc.
4. Hội đồng thẩm định lịch sử phải có thành viên chuyên môn lịch sử
Để công trình lịch sử Đảng bộ đảm bảo tính khoa học, thành lập Hội đồng thẩm định phải có ít nhất hai thành viên có chuyên môn lịch sử. Chức năng của Hội đồng thẩm định là xem xét đề tài lịch sử có đúng đối tượng biên soạn, thể loại, văn phong, nhận xét, đáng giá có khách quan và đúng mức chưa? Quan điểm có theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bài học kinh nghiệm rút ra từ lịch sử để vận dụng vào điều kiện hiện nay… Thấy được các vấn đề trên, ngoài hiểu biết về lịch sử địa phương, vốn sống của bản thân cần có thêm kiến thức về phương pháp luận sử học.
5. Cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ theo kế hoạch
Để biên soạn lịch sử địa phương thực hiện đúng tiến độ và đạt kết quả, cấp kinh phí kịp thời và đầy đủ theo kế hoạch là một trong những giải pháp quan trọng. Muốn thực hiện tốt giải pháp này, Ban Chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch kinh phí thực hiện cụ thể theo từng công việc của công trình từng quí, năm. Thực hiện giải pháp này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị xã và huyện (thành phố, thị xã), nhất là với Phòng Tài chính huyện (thành phố, thị xã). Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, khó khăn về kinh phí, Ban Chỉ đạo báo cáo cấp ủy để có hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo tiến độ và đạt kết quả tốt nhất.