Hội thảo khoa học cấp Bộ “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định”

Thứ ba - 18/03/2025 03:43
Ngày 15-3, Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề: “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định” nhân dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Định (15/3/1920 - 15/3/2025). Hội thảo nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và tri ân, tôn vinh những cống hiến to lớn của Nữ tướng Nguyễn Thị Định đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam và quê hương Bến Tre.
Đồng chí Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổng kết và bế mạc Hội thảo.
Đồng chí Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổng kết và bế mạc Hội thảo.
Dự và chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí: đồng chí Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; đồng chí Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Hồ Thị Hoàng Yến - Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre; đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài tỉnh đến dự. Trước khi diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã đến dâng hương tại Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Đồng chí Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Đồng chí là út của 10 anh, em trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, năm 1936, đồng chí bắt đầu tham gia cách mạng. Năm 1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Cũng trong thời gian này, đồng chí xây dựng gia đình với đồng chí Nguyễn Văn Bích - Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, từ đây, đồng chí được gọi là mợ Ba (theo thứ ba của chồng). Được không bao lâu thì chồng đồng chí bị Pháp bắt và đày đi Côn Đảo.

Ngày 19/7/1940, do mật thám chỉ điểm, đồng chí Nguyễn Thị Định bị Pháp bắt, lúc này con đồng chí mới bảy tháng tuổi. Đồng chí bị giam ở khám Bến Tre, sau đó giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Sau chúng đày đồng chí lên tỉnh Sông Bé, biệt giam tại nhà tù Bà Rá (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Ba năm ở nhà tù Bà Rá cũng là ba năm hoạt động bền bỉ, bất khuất của đồng chí trong nhà tù. Cuối năm 1943, đồng chí Nguyễn Thị Định bị đau tim nặng với vết thương đầy mình, địch đưa về tỉnh Bến Tre, chịu quản thúc tại địa phương. Trở về nhà, gần con mới được ba tháng, đồng chí lại nhận được tin chồng mình đã hi sinh ngoài Côn Đảo, lòng căm thù của đồng chí lại nhân gấp bội. Bất chấp con còn nhỏ, đồng chí gởi lại cho mẹ chăm sóc, thoát ly tham gia hoạt động cách mạng tại tỉnh nhà. Trong cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 rầm rộ ở Bến Tre, đồng chí hăng hái xuống đường, dẫn đầu cả ngàn người (chủ yếu là phụ nữ), cầm cờ, dao,… biểu dương lực lượng hàng chục cây số không nghỉ, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại tỉnh Bến Tre. Tuy còn ít tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên đồng chí được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện. Các đồng chí trong đoàn được Trung ương và Bác Hồ giữ lại miền Bắc, đi vào chiến khu kháng chiến. Riêng đồng chí Nguyễn Thị Định được phân công chỉ huy lái con tàu chở 12 tấn vũ khí về Bến Tre giao cho ông Trần Văn Trà, lúc đó là Tư lệnh Quân khu 8. Chuyến vượt biển này là tiền đề để sau này mở ra đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển với những “con tàu không số” đã xuôi ngược chở cán bộ và vũ khí từ Bắc vào Nam, nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Từ đó tên tuổi của đồng chí Nguyễn Thị Định đỏ thắm “đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Năm 1947, đồng chí Nguyễn Thị Định được bầu vào Tỉnh ủy, năm 1948, đồng chí làm Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc, Ủy viên Mặt trận Liên Việt. Năm 1951 là thời điểm cách mạng miền Nam trong thời kỳ gian khó, ác liệt, đồng chí được đưa về làm Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí gạt nước mắt gửi đứa con ruột thịt của mình cho các đồng chí tập kết ra miền Bắc. Đây là lần chia tay cũng là lần vĩnh biệt đứa con mình. Sau này mẹ con gặp lại bằng một hủ hài cốt, vì anh mắc bệnh và chết trên đất Bắc. Cuối năm 1959, với cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí được chỉ thị đi tiếp thu Nghị quyết 15 của Trung ương tại Hồng Ngự (Đồng Tháp) do Khu ủy Khu 8 triệu tập. Sau khi về tỉnh, đồng chí đã trực tiếp truyền đạt Nghị quyết 15 của Trung ương và giao nhiệm vụ cụ thể trong khí thế khẩn trương, sôi nổi của bao năm chờ đợi, phải tổ chức nổi dậy sớm để chớp thời cơ.

Cuộc nổi dậy được lập kế hoạch và đã chọn 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày là điểm. Đêm 16/01/1960, ta đưa tổ hành động để đánh úp vào Trung đội bảo an của Đội Tý đang đóng tại Đình Rắn, nhưng không thành công. Đến hôm sau, ngày 17/01/1960, ta đã diệt Đội Tý tại tiệm tạp hóa của bà Năm Thiểu, sau đó bao vây kêu gọi đầu hàng và tấn công bọn lính bảo an ở Đình Rắn. Bọn chúng lớp đầu hàng, lớp bỏ chạy. Anh em binh vận đã lấy đồn Vàm Nước Trong, ta đã dùng vũ khí thu được trang bị cho lực lượng vũ trang và cuộc nổi dậy được lan nhanh, ta đánh chiếm và giải phóng các xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp. Từ một ngọn lửa đã lan nhanh, lan xa trên cù lao của xứ Dừa.

Tháng 4/1960, Hội nghị Tỉnh ủy tổ chức tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trơm để sơ kết rút kinh nghiệm cuộc nổi dậy đợt I. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Thị Định được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5/1961, đồng chí là Khu ủy viên Khu 8. Năm 1964, đồng chí được bầu Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1965, đồng chí được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam. Cũng trong năm này, đồng chí được giao nhiệm vụ Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, đến ngày 17/4/1974, đồng chí được phong hàm Thiếu tướng.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: "Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta". Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng khen tặng: “Chị Nguyễn Thị Định là một nữ tướng trong thời đại Hồ Chí Minh. Chị Định đã kế thừa truyền thống anh hùng bất khuất của Bà Trưng, Bà Triệu; người phụ nữ tiêu biểu của dân tộc ta”.

Sau ngày nước nhà thống nhất, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy viên Trung ương các khóa IV, V, VI; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Từ tháng 6/1987 đến 26/8/1992, đồng chí giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Đồng chí Nguyễn Thị Định đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 26/8/1992. Giáo sư sử học Trần Văn Giàu đã viết: “Chị Ba Định ạ! Ngày xưa người dân làng quê bảo nhau rằng: Những người như chị sống làm tướng, chết thành thần”. Có lẽ, không có những ngợi ca nào đẹp và chân tình hơn thế.

Đồng chí Nguyễn Thị Định đã đi vào lịch sử dân tộc như một danh nhân kiệt xuất, nữ tướng huyền thoại của thời đại Hồ Chí Minh. Đồng chí là biểu tượng cho khí phách kiên cường của phụ nữ Việt Nam, đã có mặt trong những thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc, từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ lúc tham gia cách mạng cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ một người cán bộ giao liên cho đến một vị tướng lĩnh quân đội, đồng chí Nguyễn Thị Định luôn thể hiện tốt vai trò, bản lĩnh của một người phụ nữ tiến bộ, tiên phong, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và đã lập được nhiều chiến công vang dội. Khí phách của đồng chí Nguyễn Thị Định không chỉ là một cá nhân, mà là biểu tượng chung cho phụ nữ Việt Nam trong những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước. Danh tiếng, hình ảnh vị nữ tướng huyền thoại Nguyễn Thị Định là một điểm son sáng ngời trong lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới và là tấm gương cho mọi thế hệ cán bộ, đảng viên, nhất là phụ nữ cả nước học tập, noi theo.  

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay18,296
  • Tháng hiện tại163,851
  • Tổng lượt truy cập50,630,170
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây