Trong ngọn gió heo may lùa từ khe cửa vào hội trường, những hơi lạnh nhạc nhòa, lãng đãng đang theo họ trở lại cái thời binh lửa, những đêm trên căn cứ vành đai Đồng Tâm, Bình Đức, Mỹ Tho; những vùng đất một thời là chảo lửa, đạn bom... Thông thường, mỗi lần họp mặt kỷ niệm những ngày lễ lớn chúng tôi cùng với các đoàn cán bộ, đoàn viên, thanh niên của tỉnh, huyện về lại nghĩa trang tỉnh trên vùng đất Phước Thạnh kiên trung để thắp hương trên từng ngôi mộ của các liệt sĩ tại đây. Bước chân CCB chúng tôi chùng xuống sau những hàng bia mộ, những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu nơi địa đầu tuyến lửa cách nay hơn 40 năm. Những việc làm của CCB khiến tôi cứ ngỡ như người thân của họ đang hiện hữu đâu đây. Hình ảnh những mái đầu bạc, cuối xuống cầu nguyện giữa bạc ngàn bia mộ trắng phau, giữa những dòng bia mộ nhạc nhòa trong khói hương và sương mai còn lưu luyến quyện tròn.
Về lại chiến trường xưa, những CCB chúng tôi quá đổi xúc động, lòng vẫn không khỏi xót xa. Những lần đi như vậy, đã cho chúng tôi những cảm nhận sâu sắc về tình đồng đội cao cả. Nhờ có họ mà chúng tôi có được như ngày hôm nay - cảm xúc thật khó tả; chúng tôi còn được trở về với gia đình thân yêu, những đồng đội đã nằm lại nơi này. Có gia đình đã tìm được phần mộ người thân về an táng tại quê nhà; một số tới nay vẫn chưa tìm được mộ hoặc chưa biết tên. Đã một thời tuổi xuân và khói lửa đi qua, may mắn cho chúng tôi, những người còn sống, có những ngày trở lại chiến trường xưa. Những người CCB chúng tôi dẫu về với đời thường, nhưng mỗi lần đến kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày truyền thống CCB Việt Nam, 30/4 hay 27/7, những hình ảnh, bài viết trên báo chí đã làm cho chúng tôi vẫn đầy vơi nước mắt, miên man nghĩ đến quá khứ hào hùng...
Thương tiếc những người ngã xuống, lại càng thắt chặt, gắn bó thân thiết hơn với những đồng đội còn sống với nhau hôm nay. Những CCB trên dưới 70, 80 tuổi lại ra đi vì vết thương tái phát hành hạ. Cuộc sống sau chiến tranh của người lính CCB - trong họ, người thì thương binh, bệnh binh đủ các hạng, có người còn để lại một phần thân thể của mình trên chiến trường, họ vô cùng khó khăn trong sinh hoạt đời thường - nhưng chất lãng mạn cách mạng vẫn có của người lính Cụ Hồ, khiến các anh vượt lên, hòa nhập với cuộc sống hồn nhiên. Họ nguyện sống sao cho xứng đáng với người đã ngã xuống - bao chiến công của các anh còn vang dội vào trái tim những người đang sống hôm nay.
Được sự đón nhận, nâng niu của quê hương và những người thân khi các CCB trở lại chiến trường xưa, họ về với cuộc sống đời thường, thành những người nông dân lao động, sản xuất, trồng tỉa, chăn nuôi... làm giàu chính đáng, lòng mỗi CCB lại trào dâng bao nổi bồi hồi, bởi sau chiến công ở mặt trận là quê hương, gia đình, là tổ tiên, ông bà, cha mẹ và biết bao kỷ niệm, ký ức của tuổi thơ.
Mới đây, tôi có dịp đi dự buổi tiệc tại nhà anh Út tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho mừng mẹ Trần Thị Bảy được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gặp anh Bảy Thi ngoài 80 tuổi bưng ly rượu đế tràn trề mời tôi uống và khoán một câu “Chú mày nhớ, khi nào tao đi “về dưới” gặp đồng đội cũ, tao thông báo mầy nhớ đến dự...”. Tuy chỉ câu nói vui nhưng chứa đựng đậm đà tình đồng đội, ở cái tuổi gần đất xa trời mà vẫn nhớ về đồng đội.