Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri: Nhiều ý kiến thiết thực được cử tri quan tâm

Thứ hai - 08/12/2014 09:12
Để nhanh chóng thông báo tới bà con cử tri kết quả chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, diễn ra từ ngày 20/10 đến 28/11 tại thủ đô Hà Nội, vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang đã có các buổi tiếp xúc với cử tri trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tại các đợt tiếp xúc, đoàn đã ghi nhận nhiều ý kiến thiết thực, được bà con cử tri quan tâm, kiến nghị.
Cử tri phát biểu ý kiến
Cử tri phát biểu ý kiến
Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 11 nghị quyết, đây là số lượng dự án luật lớn nhất được xem xét, thông qua và cho ý kiến tại mỗi kỳ họp từ trước đến nay. Trong đó, có nhiều dự án luật quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, trật tự xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế... Cũng trong kỳ họp này, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã có 29 lượt đại biểu tham gia phát biểu với 155 ý kiến tại 12 buổi thảo luận tổ và có 21 lượt đại biểu tham gia đóng góp ý kiến thảo luận tại hội trường.

Đa số bà con cử tri hoan nghênh Kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đã làm việc hết sức nghiêm túc và hiệu quả. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp để nông dân thật sự được hưởng lợi từ chính sách thu mua lúa tạm trữ; có biện pháp ổn định giá lúa, không để lặp đi lặp lại tình trạng tiểu thương ép giá gây khó khăn cho nông dân.

Cử tri Trương Văn Hưởng, xã Điềm Hy (Châu Thành) cho biết: “Nghe Chính phủ hỗ trợ giá thu mua lúa tạm trữ cho người dân để người trồng lúa an tâm sản xuất, chúng tôi không thấy lợi đâu mà chỉ toàn là doanh nghiệp có lợi. Lúa thu hoạch thì nhà nước không hỗ trợ giá đến khi doanh nghiệp thu mua hết thì mới hỗ trợ giá, lúc đó người dân đã không còn lúa để bán”.

"Đề nghị Chính phủ xem xét lại khi tham gia vào Cánh đồng mẫu lớn, nông dân thật sự có lợi chưa? Trong khi giá phân bón của các đại lý hỗ trợ cánh đồng mẫu lớn, có nơi giá bán cao hơn giá bán của một số đại lý ngoài thị trường hiện nay" - Cử tri Võ Văn Vũ, xã Phú Cường (Cai Lậy) nói.

Cử tri cũng kiến nghị cần có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở, đại lý sản xuất, mua bán thuốc trừ sâu, phân bón giả để giảm thiệt hại cho bà con nông dân. Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị Chính phủ có biện pháp quản lý về giá và chất lượng vật tư nông nghiệp; chất lượng phân bón và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác. Cử tri Phan Văn Lý, phường Nhị Mỹ (TX. Cai Lậy) nói: “Quốc hội cần nghiên cứu để đưa ra luật xử lý thật mạnh các trường hợp sản xuất và mua bán phân bón giả tràn lan như hiện nay. Tôi thấy xử lý như hiện nay là quá nhẹ, phạt rồi lại vi phạm mà thiệt hại toàn là những người nông dân nghèo khổ như chúng tôi. Đồng thời, phải có biện pháp để giảm giá xe, tàu và các mặt hàng khác khi giá xăng dầu đã giảm mạnh. Trước đây, hễ giá xăng lên là các mặt hàng đồng loạt lên trong ngày một, ngày hai với tốc độ chóng mặt. Nay giá xăng dầu đã giảm mạnh và giảm nhiều lần trong năm, vậy mà giá xe, tàu và một số mặt hàng vẫn chưa động tĩnh gì…”.

Nhiều cử tri yêu cầu Chính phủ cần có giải pháp như thế nào để đào tạo lực lượng sinh viên tại các trường, để sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường đảm bảo có việc làm và không làm trái nghề như hiện nay. Cử tri Lương Văn Thái, xã Hội Xuân (Cai Lậy) trăn trở nói: "Các trường đại học, cao đẳng cứ ồ ạt mọc lên. Hàng năm, mỗi trường đào tạo ra hàng ngàn sinh viên. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm phải đi làm thuê, làm mướn hoặc làm trái ngành, nghề đã học. Như vậy, đào tạo lực lượng này ra để làm gì?".

Chất lượng thuốc, thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng được nhiều cử tri tập trung bày tỏ. "Thật sự chất lượng khám bảo hiểm y tế thì quá tệ, không cho vượt tuyến, chờ đợi để được khám thì quá lâu, giá bảo hiểm mỗi năm thì mỗi tăng nhưng lại không chi trả cho người khám vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Chúng tôi thấy đây là những vấn đề chưa hợp lòng dân" - Cử tri Lê Văn Bê, xã Phú Quý (TX. Cai Lậy) nói.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến như: Chế độ tiền lương dành cho một số Hội đặc thù ở các địa phương; Vấn đề tham nhũng xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn với số tiền quá lớn, cần có biện pháp "mạnh" để xử lý, tránh gây thất thoát tài sản của Nhà nước; Cần xây dựng lại một số hợp tác xã "đã chết" để sản phẩm của bà con nhân dân sản xuất ra được bao tiêu và giá cả ổn định; Cần chấn chỉnh lại việc dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay; Vấn đề không chấm điểm ở bậc học Tiểu học có thực sự khách quan... cũng được cử tri quan tâm, kiến nghị lên Quốc hội.

Từng vấn đề cử tri đặt ra đã được lãnh đạo địa phương và ĐBQH giải trình, trao đổi trên tinh thần đóng góp xây dựng dân chủ, nhất là những vấn đề trọng đại của đất nước. Riêng những ý kiến thuộc về bộ, ngành được ĐBQH tiếp thu và hứa sẽ trình lên Quốc hội và các bộ, ngành có thẩm quyền giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm, kiến nghị và sẽ trả lời cho bà con cử tri trong thời gian sớm nhất.

Minh Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập428
  • Máy chủ tìm kiếm70
  • Khách viếng thăm358
  • Hôm nay49,753
  • Tháng hiện tại1,689,502
  • Tổng lượt truy cập40,058,878
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây